Chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Ảnh minh họa
Thông tư nêu rõ, trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo duy trì giới hạn đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc: Giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với tổ chức tín dụng; không vượt quá 50% vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn ghi trên sổ sách kế toán đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chi phí của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm các khoản chi quy định tại Điều 17 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP. Một số khoản chi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn dưới đây.
Hoa hồng môi giới để chi cho bên thứ ba (làm trung gian), không được áp dụng cho các đối tượng là đại lý của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các chức danh quản lý, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và người có liên quan của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Đối với khoản chi môi giới để cho thuê tài sản (bao gồm cả tài sản xiết nợ, gán nợ): Mức chi môi giới để cho thuê mỗi tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối đa không quá 5% tổng số tiền thu được từ hoạt động cho thuê tài sản đó do môi giới mang lại trong năm.
Đối với khoản chi môi giới bán tài sản thế chấp, cầm cố: Mức chi hoa hồng môi giới bán mỗi tài sản thế chấp, cầm cố của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không vượt quá 1% giá trị thực tế thu được từ tiền bán tài sản đó qua môi giới.
Chi cho cán bộ, nhân viên theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 17 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP. Một số khoản chi cho cán bộ, nhân viên được hướng dẫn cụ thể như sau: Chi bảo hộ lao động, chỉ được chi cho các đối tượng cần trang bị bảo hộ lao động trong khi làm việc; chi ăn ca; chi y tế bao gồm các khoản chi khám bệnh định kỳ cho người lao động, chi mua thuốc dự phòng và các khoản chi y tế khác thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Các khoản chi khác bao gồm: Chi tiền nghỉ phép hàng năm, các khoản chi thêm cho lao động nữ theo quy định của pháp luật về lao động và các chi phí khác theo quy định của pháp luật...
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/03/2018.
Theo Khánh Linh (Chinhphu.vn)