|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2016

Bổ sung đối tượng áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia tố tụng cạnh tranh;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2016.


Ảnh minh họa.

Bổ sung đối tượng áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 

Nghị định 136/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực 30/10/2016.

Nghị định số 136/2016/NĐ-CP quy định ba đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thay vì hai đối tượng như quy định tại Nghị  định số 221/2013/NĐ-CP. Ba đối tượng gồm: 
1- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
2- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy.
3- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú  ổn định.

Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ 

Nghị định 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ có hiệu lực từ ngày 15/10/2016.

Theo đó, Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Bộ trưởng là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao trong phạm vi toàn quốc.

Bộ trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng và Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thứ trưởng) giúp Bộ trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Bộ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Thứ trưởng không kiêm người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, trừ trường hợp đặc biệt.

Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm thay Bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của Bộ. 

Số lượng Thứ trưởng thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ.

Việc tổ chức và hoạt động của Bộ thực hiện theo nguyên tắc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng; đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng trong mọi hoạt động của Bộ; tổ chức bộ máy của Bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ; công khai, minh bạch và hiện đại hóa hoạt động của Bộ....

 Thí điểm quản lý lao động, tiền lương tại Viettel 

Nghị định 121/2016/NĐ-CP ngày 24/8/2016 thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) giai đoạn 2016 - 2020 có hiệu lực từ 10/10/2016.

Chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia tố tụng cạnh tranh

Theo Quyết định 35/2016/QĐ-TTg ngày 23/08/2016 về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Hội đồng Cạnh tranh và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh có hiệu lực từ 10/10/2016, thành viên Hội đồng Cạnh tranh làm việc kiêm nhiệm được bồi dưỡng 1.300.000 đồng/người/tháng.

Về chế độ bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng cạnh tranh và người tham gia tố tụng cạnh tranh tại phiên điều trần, chủ tọa phiên điều trần được bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày; thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Điều tra viên tham gia phiên điều trần được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày; người giám định được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mời được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày.

Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Theo Thông tư số 20/2016/TT-BTNMT ngày 25/8/2016 quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2016, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải đảm bảo nguyên tắc phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn thông tin, lưu trữ lâu dài, bảo vệ bí mật nhà nước; bảo đảm thuận tiện cho khai thác và sử dụng, tạo thuận lợi cho các hoạt động trên môi trường mạng.

 Theo Hoàng Diên (baochinhphu.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật