A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dạy nghề không phép phạt tới 100 triệu đồng

Theo Nghị định 148/2013/NĐ-CP, những tổ chức đào tạo nghề chưa đăng ký hoạt động dạy nghề sẽ bị phạt tiền với các mức phạt căn cứ theo cấp trình độ đào tạo, tối đa đến 60 triệu đồng đối với trình độ sơ cấp nghề, đến 80 triệu đồng đối với trình độ trung cấp nghề và phạt đến 100 triệu đồng đối với trình độ cao đẳng nghề.

Ảnh minh họa.

Đây là một trong những điểm mới của Nghị định số 148/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề chính thức được áp dụng từ ngày 15/12/2013, thay thế cho Nghị định số 116/2009/NĐ-CP.

Trên thực tế, một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực dạy nghề đã xảy ra nhưng chưa có trong quy định xử phạt, Nghị định 148/2013/NĐ-CP đã có sự bổ sung, điều chỉnh nhiều nội dung, góp phần thiết thực, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về dạy nghề.

Nghị định số 148/2013/NĐ-CP đã bổ sung một số hành vi vi phạm mới như: Vi phạm về quy mô lớp học; hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia…Nhiều trường hợp bị thu hồi giấy phép

Theo đó, cơ sở dạy nghề bố trí số lượng học sinh, sinh viên trong một lớp học vượt quá quy định từ dưới 15% sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng, nếu vượt quá quy định từ 30% trở lên sẽ bị xử phạt đến 10 triệu đồng. Đồng thời, các vi phạm này đều sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc bố trí số lượng học sinh, sinh viên trong một lớp học theo đúng quy định.

Đối với quy định về hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, trường hợp cá nhân cho người khác sử dụng thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia có thể bị xử phạt tối đa đến 15 triệu đồng. Và hành vi sử dụng giấy chứng nhận trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia giả mạo sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng.

Nghị định cũng có thêm quy định về thẩm quyền lập biên bản của thành viên đoàn thanh tra, việc này nhằm đảm bảo điều kiện thực thi công vụ của các thành viên đoàn thanh tra, trong trường hợp cần thiết có thể lập biên bản ngay, làm căn cứ để Trưởng đoàn thanh tra hoặc người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt.

Đối với biện pháp khắc phục hậu quả, Nghị định đã bổ sung một số biện pháp mang tính đặc thù của lĩnh vực dạy nghề điển hình như: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định thành lập, cho phép thành lập đối với hành vi tẩy, xóa, sửa chữa, làm thay đổi quyết định, hành vi gian lận, giả mạo giấy tờ, tài liệu để được thành lập, cho phép thành lập cơ sở dạy nghề.

Đồng thời, buộc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt đồng dạy nghề; buộc thực hiện đúng việc xây dựng tiến độ đào tạo, kế hoạch đào tạo, xây dựng lại chương trình dạy nghề; buộc thông báo công khai việc dừng tuyển sinh; tiêu hủy phôi đã in đối với hành vi in phôi văn bằng, chứng chỉ nghề không đúng mẫu quy định… 

Sửa đổi nhiều quy định phù hợp thực tế

Nghị định số 148/2013/NĐ-CP cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, như hành vi vi phạm về đăng ký hoạt động dạy nghề; sử dụng giáo viên, giảng viên chương trình nội dung và kế hoạch đào tạo; tuyển sinh; đánh giá kết quả của người học; thi tốt nghiệp; liên kết đào tạo; kiểm định chất lượng dạy nghề...

Đối với tổ chức không đăng ký hoạt động dạy nghề khi bổ sung nghề đào tạo, trình độ đào tạo; chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất cơ sở dạy nghề; thay đổi cơ quan chủ quản, chủ đầu tư của cơ sở dạy nghề; thành lập phân hiệu hoặc cơ sở đào tạo mới thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Mức phạt khi cơ sở dạy nghề vi phạm quy định về đảm bảo giáo viên, giảng viên cơ hữu sẽ tăng dần theo phân cấp (trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề), mức phạt tối đa 10 triệu đồng áp dụng cho trường cao đẳng nghề.

Đồng thời, hành vi sử dụng giáo viên, giảng viên dạy thêm giờ vượt quá 50% số giờ tiêu chuẩn của năm học sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Đặc thù trong lĩnh vực dạy nghề là cùng một hành vi vi phạm, nhưng ở trình độ đào tạo khác nhau, mức độ tác động và mức độ ảnh hưởng xã hội sẽ khác nhau. Các vi phạm ở trình độ đào tạo sơ cấp nghề, có thời gian đào tạo ngắn chắc chắn có ảnh hưởng ít hơn đối với các vi phạm ở trình độ đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề có thời gian đào tạo dài hơn. Do vậy, việc phân chia mức phạt căn cứ theo cấp trình độ đào tạo như nêu trên nhằm đảm bảo sự công bằng trong xử phạt.

Nghị định cũng sửa đổi nhiều quy định khác để đảm bảo phù hợp thực tế, chẳng hạn, hành vi làm lộ hoặc làm mất đề thi sẽ bị phạt tiền tối đa đến 25 triệu đồng.

Hành vi không xây dựng tiến độ đào tạo, kế hoạch đào tạo, kế hoạch giáo viên theo quy định; không sử dụng hoặc sử dụng không đúng biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Hành vi vi phạm quy định về đối tượng, tiêu chuẩn tuyển sinh học nghề sẽ bị phạt tiền với các mức phạt căn cứ số lượng người tuyển sinh sai. Mức tối thiểu 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng khi tuyển sinh sai từ 1 đến dưới 5 người; mức phạt cao nhất đến 10 triệu đồng khi tuyển sinh sai từ 30 người trở lên.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức còn có thể bị thu hồi quyết định thành lập, cho phép thành lập; đình chỉ hoạt động đào tạo nghề có thời hạn từ 1-3 tháng; buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, hoàn trả cho người học các khoản đã thu; buộc hủy bỏ kết quả trúng tuyển...

Nghị định số 148/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục là hành lang pháp lý quan trọng cho việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề, góp phần răn đe, phòng ngừa sai phạm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động, quản lý dạy nghề.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật