A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2013

Kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đại học; hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; 2 trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2013.

Ảnh minh họa.

Kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đại học

Theo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 10/12/2013, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Giảng viên được kéo dài thời gian làm việc nếu có các điều kiện: Có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận.

Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.

Hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2013đối với người tham gia các khoá học nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế.

Đối với người tham gia các khoá học nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 600.000 đồng/người/tháng; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế.

Đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định nêu trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.

Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo nghề của từng nghề và nhu cầu của từng người lao động, nhưng không quá 6 tháng.

2 trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo

Nghị định quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo áp dụng đối với người học được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đi học tập ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước (bao gồm cả chương trình giáo dục theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam); người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước theo các Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Nghị định, có 2 trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo.

Thứ nhất, người học nêu trên không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày người học được công nhận tốt nghiệp. Trường hợp sau khi tốt nghiệp, nếu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục học tập, thì thời hạn 12 tháng tính từ ngày được công nhận tốt nghiệp khóa học tiếp theo.

Thứ hai, người học chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định mà tự ý bỏ việc.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2013.

Vi phạm trật tự công cộng phạt đến 5 triệu đồng

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 28/12/2013, cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự công cộng có thể bị phạt đến mức cao nhất là 5 triệu đồng. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi cá nhân.

Nghị định quy định, cá nhân có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng hoặc gây mất trật tự nơi công cộng sẽ bị phạt từ 100.000-300.000 đồng.

Bên cạnh đó, hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; say rượu, bia gây mất trật tự công cộng; ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác; tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Dạy thêm khi chưa được cấp phép bị phạt đến 12 triệu đồng

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép. Đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép sẽ bị phạt tiền từ 6-12 triệu đồng.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2013.

Gây hư hại đến công trình phòng, chống lụt, bão phạt đến 50 triệu đồng

Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão có hiệu lực từ 8/12/2013, trong đó, phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất nổ trong phạm vi bảo vệ công trình phòng, chống lụt, bão.

Đối với một trong các hành vi: Khoan thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình phòng, chống lụt, bão; sử dụng sai mục đích của công trình phòng, chống lụt, bão thì sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

3 cấp độ hình thành và phát triển thị trường điện lực

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, thị trường điện lực được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ.

Cụ thể, cấp độ 1 - Thị trường phát điện cạnh tranh. Theo đó, tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đến hết năm 2014.

Cấp độ 2 - Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2015-2016, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm; từ năm 2017-2021, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Cấp độ 3 - Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2021-2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm; từ sau năm 2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Quyết định có hiệu lực từ 25/12/2013.

Nhiều ưu đãi cho người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Theo Nghị định quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử sẽ được miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí; được cấp sinh hoạt phí hằng tháng.

Nghị định này áp dụng đối với người đi đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đáp ứng 4 điều kiện: 1- Là công dân Việt Nam đang học tập, nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; 2- Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tuyển chọn đi đào tạo, bồi dưỡng; 3- Có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tinh thần trách nhiệm cao; 4- Có đủ sức khỏe để tham gia học tập, nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2013.

Ký quỹ xuất khẩu lao động không quá 3.000 USD

Có hiệu lực từ 1/12/2013, Thông tư 21/2013/TT-BLĐTBXH quy định mức trần tiền ký quỹ và thị trường lao động mà Doanh nghiệp dịch vụ được thỏa thuận ký quỹ với người lao động.

Cụ thể, mức trần tiền ký quỹ sẽ tùy thuộc vào ngành nghề và thị trường tiếp nhận lao động. Mức trần thấp nhất là 300 USD đối với thị trường lao động Malaysia, Brunei, Thái Lan, Lào. Mức cao nhất là 3.000 USD đối với thực tập sinh đi Nhật Bản và lao động thẻ vàng, visa E-7, thuyền viên trên tàu cá (gần bờ) tại Hàn Quốc.

Người lao động và doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận về việc ký quỹ theo ngành, nghề, nước tiếp nhận lao động với mức tiền ký quỹ không quá mức trần tiền ký quỹ theo quy định.

Quy định mới về thủ tục thu, nộp tiền phạt

Thông tư 153/2013/TT-BTC quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12 /2013.

Theo đó, thủ tục thu tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định rõ: Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

Giảm thuế xuất khẩu mặt hàng cao su

Theo Thông tư 157/2013/TT-BTC, thuế suất thuế xuất khẩu một số mặt hàng cao su trong Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 193/2012/TT-BTC được giảm xuống còn 1%.

Cụ thể, thuế xuất khẩu mặt hàng mủ cao su tự nhiên, đã hoặc chưa tiền lưu hóa, và mặt hàng crếp từ mủ cao su thuộc nhóm cao su tự nhiên, nhựa cây balata, nhựa két, nhựa cây cúc cao su, nhựa cây họ sacolasea và các loại nhựa tự nhiên tương tự, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải (mã 40.01) được giảm từ 3% xuống còn 1%.

Thuế xuất khẩu mặt hàng cao su tổng hợp thuộc nhóm cao su tổng hợp và các chất thay thế cao su dẫn xuất từ dầu, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải; hỗn hợp của một sản phẩm bất kỳ của nhóm 40.01 với một sản phẩm bất kỳ của nhóm này, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải (mã 40.02) được giảm từ 5% còn 1%.

Mặt hàng cao su hỗn hợp, chưa lưu hóa, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải (mã 40.05) cũng được giảm thuế suất từ 3% còn 1%.

Mức thuế mới đối với các mặt hàng nêu trên sẽ áp dụng từ 26/12/2013

Bổ sung quy định lệ phí trước bạ với ô tô biển số nước ngoài

Theo Thông tư 140/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 34/2013/TT-BTC  hướng dẫn về lệ phí trước bạ, đối với các loại xe ô tô biển số ngoại giao, biển số nước ngoài và biển số quốc tế của các tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Nghị định số 45/2011/NĐ-CPchuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam (không thuộc đối tượng quy định Khoản 2, Điều 4 Nghị định 45/2011/NĐ-CP) thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng làm thủ tục kê khai, nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng theo quy định và nộp lệ phí trước bạ với mức thu lần đầu (từ 10-15%) theo quy định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với các loại xe ô tô biển số nước ngoài mà chủ xe là người nước ngoài (không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 45/2011/NĐ-CP) khi đăng ký quyền sở hữu, sử dụng chủ tài sản đã kê khai và nộp lệ phí trước bạ theo mức thu lần đầu. Nay người nước ngoài chuyển nhượng lại tài sản cho các tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng phải kê khai nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, sử dụng theo mức thu 2%.

Thông tư 140 có hiệu lực thi hành kể từ ngày  1/12/2013.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật