A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng tần suất phát tin chỉ đạo ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro

Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, công điện chỉ đạo ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn sẽ được phát ngay sau khi nhận được và phát lại với tần suất tăng dần tương ứng với sự tăng cấp độ rủi ro thiên tai.

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, căn cứ mức độ tăng dần của cường độ hoặc mức độ nguy hiểm của thiên tai, phạm vi ảnh hưởng và khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng, môi trường sinh thái, rủi ro thiên tai được phân thành 5 cấp tăng dần về mức độ rủi ro: Rủi ro thiên tai cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5 (tình trạng khẩn cấp về thiên tai).

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phát văn bản, công điện chỉ đạo ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn ngay sau khi nhận được và phát lại với tần suất tăng dần tương ứng với sự tăng cấp độ rủi ro thiên tai cho đến khi có văn bản, công điện chỉ đạo mới hoặc hoạt động ứng phó thiên tai đã được thực hiện hoặc diễn biến thiên tai đã thay đổi không còn ảnh hưởng.

Thời lượng phát tin chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai bao gồm thời gian phát toàn văn nội dung văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai của cơ quan có thẩm quyền, bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nêu rõ sự thay đổi của các bản tin, tường thuật, cập nhật tình hình diễn biến thiên tai, các hoạt động ứng phó thiên tai.

Theo dự thảo, Đài Phát thanh, truyền hình các cấp phát văn bản, công điện chỉ huy ứng phó thiên tai cùng cấp và văn bản chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan cấp trên ngay sau khi nhận được và phát lại theo yêu cầu của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, phù hợp với diễn biến thiên tai và ứng phó của địa phương. Khi xảy ra thiên tai cấp độ 2, 3, 4 trên địa bàn, tần suất phát tin theo yêu cầu của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp hoặc cấp trên.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp quy định nội dung và tần suất, thời lượng phát tin của các kênh thông tin trên địa bàn. Những nơi không có phát thanh, truyền hình thì phân công cán bộ thông báo trực tiếp tới từng hộ gia đình thuộc diện bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Ứng phó, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai

Tại dự thảo, tùy theo cấp độ rủi ro thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất những quy định cụ thể về phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó tình trạng này. Riêng tình trạng khẩn cấp về thiên tai (cấp độ 5), việc phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó tình trạng khẩn cấp về thiên tai sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp. 

Cũng theo dự thảo, UBND các cấp sẽ quyết định sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai để khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định còn Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm bố trí nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi quản lý và hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sẽ tổng hợp thiệt hại, nhu cầu cứu trợ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương, vật tư, trang thiết bị, phương tiện và hàng hóa thuộc dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khắc phục hậu quả thiên tai; quyết định điều động Quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương để hỗ trợ địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai trên cơ sở thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.

Chính phủ quyết định sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương, Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khắc phục hậu quả thiên tai.

Dự thảo nêu rõ, UBND các cấp ngay sau khi nhận được nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có trách nhiệm phân bổ kịp thời, đúng đối tượng và chỉ đạo thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương. Chậm nhất 30 ngày kể từ khi nhận được nguồn hỗ trợ, cứu trợ thiên tai, UBND cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tiếp nhận, phân bổ, sử dụng nguồn hỗ trợ, cứu trợ.

Theo dự thảo, việc vận động, quyên góp và phân bổ nguồn lực từ cộng đồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP và các quy định về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. 

Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10/2013, ở nước ta, thiên tai, bão lũ đã khiến 211 người chết và mất tích; gần 700 người bị thương; gần 11.600 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi; hơn 344.000 ha hoa màu, cây trồng, thủy sản bị thiệt hại và gần 17,7 triệu m3 đất, đá đường giao thông bị sạt lở. Ước tính tổng giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 21.927 tỷ đồng.

 
Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật