Quy định về quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu
Ảnh minh họa.
Cụ thể, Nghị định quy định rõ quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác; thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh; chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân.
Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam, các thương nhân, công ty, chi nhánh khi tiến hành hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này, còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện, khi xuất khẩu, nhập khẩu, ngoài việc thực hiện quy định của Nghị định này, thương nhân phải thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó.
Về thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, Nghị định quy định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân muốn xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của bộ, ngành liên quan.
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan.
Với hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu; tạm ngừng xuất nhập khẩu và các hàng hóa không thuộc trường hợp trên, chỉ làm thủ tục xuất, nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 20/2/2014 thay thế Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ.
Theo chinhphu.vn