A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử phạt hành vi bạo lực gia đình

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 30 triệu đồng.

Ảnh minh họa

Cụ thể, hành vi cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác hay cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng. 
Ngược đãi bị xử phạt đến 2 triệu đồng
Các hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ sẽ bị phạt từ 1,5-2 triệu đồng. 
Đồng thời, sẽ phạt tiền từ 1-1,5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. Nếu sử dụng công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình sẽ bị phạt từ 1,5-2 triệu đồng. 
Ép đi xin ăn phạt 1 triệu
Theo Nghị định, phạt 300.000-500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng.

Các hành vi: Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình; ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động hoặc ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. 
Phát tán hình ảnh xúc phạm danh dự phạt đến 1,5 triệu
Cũng theo Nghị định, hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi tiết lộ thông tin cá nhân của nạn nhân bạo lực gia đình mà không được sự đồng ý của nạn nhân hoặc người giám hộ của nạn nhân làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân; cố ý tiết lộ hoặc tạo điều kiện cho người có hành vi bạo lực biết nơi tạm lánh của nạn nhân bạo lực gia đình sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Hành vi lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi cũng có thể bị phạt đến 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 1-1,5 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.   

Theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam (2010), cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có 1 người (34 %) cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Số phụ nữ có hoặc từng có gia đình hiện đang phải chịu một trong hai hình thức bạo hành này chiếm 9 %.

Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng – thể xác, tình dục và tinh thần, thì có hơn một nửa (58 %) phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình kể trên. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng phụ nữ bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng.

Các số liệu được đưa ra đã nêu bật một thực trạng là đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình ở một hay một vài thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ. Tại một số vùng ở Việt Nam, cứ 10 phụ nữ thì có 4 người nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ. Ví dụ, ở vùng Đông Nam Bộ, 42 % phụ nữ cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Tuy nhiên, mặc dù có sự khác biệt giữa các vùng miền, khu vực, nhưng sự khác biệt lớn nhất có thể nhận thấy là giữa các dân tộc, trong đó tỷ lệ phụ nữ cho biết họ đang hoặc đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình dao động từ 8 % (người H’mong) đến 36 % (người Kinh). 

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật