A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất 3 phương án xử lý rủi ro vốn vay

Bộ Tài chính vừa hoàn tất dự thảo Quy chế xử lý rủi ro vốn vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), trong đó đề xuất 3 biện pháp xử lý rủi ro.

Ảnh minh họa.

Theo dự thảo, xử lý rủi ro là việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với khoản nợ của khách hàng gặp rủi ro trong quá trình cho vay, thu hồi nợ vay dẫn đến không thể thu hồi đầy đủ nợ vay (gốc, lãi) theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng đã ký.

Để được VDB xem xét, xử lý rủi ro, khách hàng phải đáp ứng đủ 4 điều kiện: Khoản vay phải thuộc đối tượng xử lý nợ quy định; khách hàng thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định, đã sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong Hợp đồng tín dụng; khách hàng bị rủi ro do một trong các nguyên nhân khách quan theo quy định làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản hình thành từ vốn vay; khách hàng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ cho VDB.

Dự thảo cũng nêu rõ các nguyên nhân khách quan được xử lý rủi ro như: Thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị, chiến tranh trực tiếp gây thiệt hại về tài sản của khách hàng; khách hàng bị phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật hiện hành; khách hàng là cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự; bị chết, mất tích không còn tài sản để trả nợ hoặc còn tài sản nhưng không đủ để trả nợ và không có người thừa kế hoặc người thừa kế không có khả năng trả nợ thay khách hàng.

Một số nguyên nhân khác cũng được đề xuất là nguyên nhân khách quan được xử lý rủi ro gồm: Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng (không còn nguồn cung cấp nguyên vật liệu, mặt hàng sản xuất kinh doanh bị cấm); công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ gặp khó khăn về tài chính khi thực hiện chuyển đổi sở hữu; rủi ro khách quan từ phía nhà nhập khẩu (nhà nhập khẩu, ngân hàng phục vụ bị phá sản, nước nhập khẩu thay đổi chính sách ảnh hưởng đến nhập khẩu hàng hóa)...

3 biện pháp xử lý rủi ro

Dự thảo đề xuất 3 biện pháp xử lý rủi ro bao gồm: Khoanh nợ, bán nợ, xóa nợ lãi.

Đối với biện pháp khoanh nợ, dự thảo quy định điều kiện để được khoanh nợ là: Khách hàng bị rủi ro do các nguyên nhân khách quan theo quy định, có khó khăn tạm thời về tài chính không trả được nợ vay theo đúng cam kết trong Hợp đồng tín dụng đã ký mà các biện pháp gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ (đã áp dụng hoặc sẽ áp dụng) không giúp khách hàng khắc phục được khó khăn để trả được nợ vay.

Số tiền và thời hạn khoanh nợ sẽ được xác định trên cơ sở mức độ thiệt hại về vốn, về tài sản hình thành từ vốn vay, khó khăn về tài chính, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng. Thời hạn khoanh nợ tối đa không quá 3 năm.

Với biện pháp bán nợ, theo dự thảo, bán nợ theo cơ chế thỏa thuận được áp dụng đối với khách hàng bị rủi ro do các nguyên nhân khách quan theo quy định; bên mua nợ là tổ chức, cá nhân có chức năng, mua nợ theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, giá bán nợ xác định theo các phương thức: Các bên tự đàm phán, thỏa thuận hoặc thông qua bên môi giới theo nguyên tắc thị trường, hoặc giá đấu giá thành công trong trường hợp khoản nợ được bán theo phương thức đấu giá.

Theo Bộ Tài chính, một khoản nợ có thể được mua, bán một phần hay toàn bộ giá trị sổ sách do VDB và bên mua nợ thỏa thuận. VDB phải ký kết Hợp đồng bán nợ với bên mua nợ trong đó xác định rõ giá bán nợ, chuyển quyền chủ nợ từ bên bán nợ sang bên mua nợ và các thỏa thuận khác có liên quan.

Trường hợp bán nợ theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VDB thực hiện theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, trường hợp Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ gặp khó khăn về tài chính khi thực hiện chuyển đổi sở hữu thì các khoản nợ được xóa nợ lãi. Tổng nợ lãi được xóa tối đa bằng số lỗ lũy kế còn lại (sau khi đã xử lý theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu) tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, tính đến 31/12/2012, trên cơ sở đề nghị của VDB, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước thẩm định hồ sơ, quyết định việc khoanh nợ gốc, xoá nợ lãi và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc xoá nợ gốc cho khách hàng, các trường hợp thuộc diện đặc thù, tổng số dự án đã được xử lý rủi ro là 193 dự án với tổng số tiền 1.294.300 triệu đồng, trong đó: Gia hạn nợ 15.979 triệu đồng; khoanh nợ gốc 845.583 triệu đồng; xoá nợ gốc 215.876 triệu đồng; xoá nợ lãi 216.862 triệu đồng.

 
Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật