Đề xuất lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu
Ảnh minh họa.
Theo dự thảo, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề xuất 2 phương án về lộ trình tăng tuổi hưởng lương hưu đối với từng nhóm đối tượng.
Cụ thể, theo phương án 1, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng lao động còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ.
Còn theo phương án 2, từ năm 2016 trở đi, tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng lao động còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Riêng với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội Nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật Công an Nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân; theo dự thảo, đối tượng này nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam hoặc Luật Công an Nhân dân.
Theo dự thảo, tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
Với người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, theo dự thảo, đối tượng này cũng được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Về lộ trình tăng tuổi hưởng lương hưu của các đối tượng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề xuất 2 phương án: Phương án 1, từ năm 2020 trở đi cứ 3 năm tuổi nghỉ hưu tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ. Phương án 2, từ năm 2020 trở đi cứ 3 năm tuổi nghỉ hưu tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Theo dự thảo, người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Tại dự thảo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề xuất quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung. Cụ thể, bảo hiểm hưu trí bổ sung là một chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc bắt buộc có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức các tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật. Theo dự thảo, Chính phủ quy định chi tiết bảo hiểm hưu trí bổ sung. |