A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn chế độ tài chính đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ

Liên Bộ Tài chính, Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” theo Quyết định số 911/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 911).

Ảnh minh họa.

NCS đóng học phí 1 lần trước khi đi đào tạo ở nước ngoài

Thông tư quy định rõ về quản lý tài chính đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài. Cụ thể, về mức thu học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mức thu học phí trên cơ sở vận dụng mức thu học phí đối với đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP.

Từ năm 2014, nghiên cứu sinh (NCS) trúng tuyển của Đề án 911 có trách nhiệm đóng học phí trước khi được cử đi đào tạo ở nước ngoài cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý lưu học sinh) 1 lần đối với toàn bộ thời gian học tập ở nước ngoài.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ gửi vào Kho bạc Nhà nước số thu học phí theo quy định và được sử dụng số thu học phí để trang trải cho các nhiệm vụ quản lý, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án hàng năm và cả giai đoạn.

NCS trong nước đóng học phí hằng tháng

Về quản lý tài chính đối với nghiên cứu sinh (NCS) và cơ sở đào tạo NCS của Đề án 911 theo phương thức đào tạo toàn thời gian ở trong nước, Thông tư quy định, đối với mức thu học phí, căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu phát triển của ngành đào tạo và phương thức đào tạo (đào tạo toàn bộ thời gian ở trong nước hoặc  đào tạo phối hợp)…, cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo NCS của Đề án 911 được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo.

NCS của Đề án 911 có trách nhiệm đóng đầy đủ học phí cho cơ sở đào tạo theo định kỳ hằng tháng (tối đa không quá 10 tháng/năm).

Về mức kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước, NSNN hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án 911 tính trên số NCS thực tế nhập học trong khuôn khổ chỉ tiêu đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao và mức chi đối với từng chuyên ngành đào tạo. Cụ thể, đối với nhóm ngành y dược được hỗ trợ 16 triệu đồng/NCS/năm; đối với nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ  thuật, công nghệ, nông, lâm, thủy sản, thể dục thể  thao, nghệ thuật, 14 triệu đồng/NCS/năm; đối với nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác (nằm ngoài các nhóm ngành trên), 10 triệu đồng/NCS/năm. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 năm/NCS.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 5/11/2013.

Theo Quyết định 911/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến năm 2020, sẽ đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật