Đề xuất quy định tổ chức và hoạt động của Thanh tra NNPTNT
Ảnh minh họa.
Theo dự thảo, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm: Cơ quan thanh tra Nhà nước; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Cụ thể, cơ quan thanh tra Nhà nước gồm: Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Một số cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Tổng cục Thủy lợi; Tổng cục Lâm nghiệp; Tổng cục Thủy sản; Cục Thú y; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Trồng trọt; Cục Chăn nuôi; Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối; Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản (bao gồm khai thác và nuôi trồng), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Đê điều (bao gồm phòng chống lụt bão), Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn.
Theo dự thảo, hoạt động thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Trong đó, thanh tra chuyên ngành về các lĩnh vực: Thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt bão; phòng, chống thiên tai; bảo vệ và phát triển rừng; thủy sản; thú y; bảo vệ thực vật; trồng trọt; chăn nuôi...
Thời hạn thanh tra không quá 70 ngày
Về thời hạn thanh tra, theo dự thảo, cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành do Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày.
Cuộc thanh tra chuyên ngành, thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thanh tra những vụ việc khác do Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ giao. Tổng cục, Cục tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 70 ngày.
Cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành do Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành, thanh tra chuyên ngành do Chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.
Thời hạn thanh tra chuyên ngành độc lập đối với mỗi đối tượng thanh tra là 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiến hành thanh tra. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra gia hạn thời gian thanh tra, nhưng thời gian gia hạn không được vượt quá 5 ngày làm việc.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra hoặc nhận được kết luận thanh tra, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Giám đốc sở có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực (Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi) thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong 22 lĩnh vực liên quan trực tiếp tới an ninh lương thực, ổn định kinh tế-xã hội, đời sống trực tiếp của gần 14 triệu hộ nông dân.
Hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, xâm hại công trình đê điều, thủy lợi, chặt phá rừng… đang diễn ra phức tạp. Vì vậy, việc ban hành Nghị định mới về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất từ Trung ương tới địa phương, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn là hết sức cần thiết.
Theo chinhphu.vn