A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1349/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo Quyết định 1349/QĐ-TTg, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được xây dựng thành một hệ thống, trên cơ sở lợi dụng tối đa các địa điểm có điều kiện tự nhiên thuận lợi, gần các ngư trường, vùng biển có tần suất bão cao, phù hợp tập quán của ngư dân, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Đồng thời, chú trọng, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở hải đảo, nhất là những đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đảo có vị trí quan trọng về hậu cần dịch vụ nghề khai thác xa bờ;...

Hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được quy hoạch và xây dựng tại các tỉnh, thành phố ven biển và một số đảo. Thời gian quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, hoặc cấp tỉnh, thành phố

Hệ thống các khu neo đậu được phân loại theo hai mức: khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng và khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh, thành phố.

Trong đó, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng phải đáp ứng đủ các điều kiện như: gần ngư trường trọng điểm, tập trung tàu cá của nhiều tỉnh; vùng biển có tần suất bão cao; có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đảm bảo an toàn cho tàu cá neo đậu tránh trú bão và có khả năng neo đậu được khoảng 800 – 1000 tàu cá các loại trở lên, kể cả loại tàu có công suất 1000 CV và tàu cá nước ngoài.

Đến năm 2020, có 131 khu neo đậu tránh trú bão

Về tổng thể, đến năm 2020, cả nước sẽ có 131 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với năng lực đáp ứng chỗ neo đậu cho 84.200 tàu. Trong đó, tuyến bờ có 115 khu neo đậu, tuyến đảo có 16 khu neo đậu.

Quy hoạch theo vùng biển, Vùng biển vịnh Bắc Bộ có 35 khu neo đậu, trong đó có 32 khu neo đậu ven bờ và 03 khu neo đậu ở đảo (Cô Tô - Thanh Lân, Cát Bà và Bạch Long Vỹ); Vùng biển miền Trung có 57 khu neo đậu, trong đó có 52 khu neo đậu ven bờ và 5 khu neo đậu ở đảo (Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Đá Tây, Phú Quý); Vùng biển Đông Nam Bộ có 23 khu neo đậu, trong đó có 21 khu neo đậu ven bờ và 2 khu neo đậu ở đảo (Côn Đảo và Hòn Khoai); Vùng biển Tây Nam Bộ có 16 khu neo đậu, trong đó có 9 khu neo đậu ven bờ và 7 khu neo đậu ở đảo (đảo Nam Du, đảo Hòn Tre và 5 khu ở đảo Phú Quốc: An Thới, Mùi Gành Dầu, Vũng Trâu Nằm, cửa Dương Đông, Cầu Sấu).

Tại Bình Định, quy hoạch 3 khu neo đậu là:

Cửa Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, quy mô 1200 tàu công suất 400 CV, cấp vùng, kết hợp cảng cá Tam Quan

Đầm Đề Gi, huyện Phù Cát, quy mô 2000 tàu công suất 300 CV, cấp vùng, kết hợp cảng cá Đề Gi

Cửa biển Hà Ra, huyện Phù Mỹ, quy mô 800 tàu công suất 300 CV.  

Dự kiến đến năm 2030 năng lực đáp ứng chỗ neo đậu tránh trú bão của các khu neo đậu ổn định như năm quy hoạch 2020. Các khu neo đậu được hình thành với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc tại các khu neo đậu được tự động hóa, tin học hóa nhằm đạt trình độ hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

Hầu hết các khu neo đậu có kết hợp với cảng cá sẽ là những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ. Những khu neo đậu gắn với cảng cá loại I sẽ là những trung tâm công nghiệp nghề cá.

Để thực hiện quy hoạch này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 là 11.230 tỷ đồng.

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ và Quyết định 1349/QĐ-TTg


Tin nổi bật Tin nổi bật