Điều kiện, thủ tục thành lập tổ chức KHCN
Ảnh minh họa.
Theo Nghị định, tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập khi đủ các điều kiện về điều lệ tổ chức và hoạt động; nhân lực khoa học và công nghệ; cơ sở vật chất-kỹ thuật.
Cụ thể, ngoài việc nêu tên, mục tiêu, phương hướng hoạt động, người đại diện, điều lệ tổ chức và hoạt động phải nêu rõ lĩnh vực hoạt động, thuộc một trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm; sản xuất, kinh doanh sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; dịch vụ khoa học và công nghệ. Trường hợp tổ chức khoa học và công nghệ do cá nhân thành lập thì lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Luật Khoa học và công nghệ.
Điều lệ tổ chức và hoạt động cũng phải nêu rõ vốn điều lệ của tổ chức, bao gồm tiền mặt và các tài sản khác quy ra tiền; nguyên tắc tăng giảm vốn hoạt động và các nguyên tắc về tài chính khác.
Về nhân lực khoa học và công nghệ, mỗi tổ chức khoa học và công nghệ phải có ít nhất 5 người có trình độ đại học trở lên, bao gồm làm việc chính thức và kiêm nhiệm, trong đó có ít nhất 30% có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chủ yếu xin đăng ký hoạt động và ít nhất 40% làm việc chính thức.
Nghị định nêu rõ, người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ phải có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm quản lý, năng lực chuyên môn phù hợp.
Về cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức khoa học và công nghệ phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trụ sở, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị, tài sản trí tuệ, các phương tiện vật chất-kỹ thuật khác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài còn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Luật Khoa học và công nghệ.
3 trường hợp giải thể
Theo Nghị định, tổ chức khoa học và công nghệ sẽ bị giải thể trong 3 trường hợp sau đây: 1- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ mà không có quyết định gia hạn; 2- Theo quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; 3- Bị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.
Nghị định nêu rõ, tổ chức khoa học và công nghệ chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Tổ chức khoa học và công nghệ công lập là tổ chức khoa học và công nghệ do cơ quan có thẩm quyền quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g Khoản 1 Ðiều 12 Luật Khoa học và công nghệ và do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, thành lập và đầu tư. Tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập là tổ chức khoa học và công nghệ do doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức Việt Nam không thuộc quy định trên thành lập. Tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài là tổ chức khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập hoặc góp vốn hợp tác với tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập tại Việt Nam. |
Theo chinhphu.vn