A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường lấy ý kiến nhân dân về thi đua, khen thưởng

Đây là một trong những nội dung tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013 do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo.

Ảnh minh họa.

Dự thảo Nghị định bao gồm 7 chương, 81 điều, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013 bao gồm: Thi đua và danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; thẩm quyền quyết định, trao tặng; thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được khen thưởng; hành vi vi phạm và xử lý hành vi vi phạm; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng; tước và phục hồi danh hiệu.

Theo dự thảo, cơ quan thông tin đại chúng phải đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, tăng cường các chuyên trang, chuyên mục để định hướng dư luận, lấy ý kiến nhân dân về các trường hợp đề nghị danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

Đồng thời, phát hiện, cổ vũ, phổ biến, nêu gương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng, góp phần hạn chế, đẩy lùi các mặt tiêu cực trong xã hội.

Thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó

Theo dự thảo, khen thưởng phải đảm bảo chính xác, hình thức khen thưởng phải tương xứng và phù hợp với thành tích đạt được, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, không nhất thiết phải khen thưởng theo trình tự từ mức thấp đến mức cao. Thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn thì được khen thưởng với mức cao hơn; không khen nhiều lần cho cùng một thành tích của một đối tượng. Chú trọng khen thưởng cho cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu.

Bên cạnh đó, cần quy định mốc thời gian để đề nghị khen thưởng cho lần tiếp theo được tính từ khi có quyết định khen thưởng lần trước. Khi xét khen thưởng đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức phải xem xét đến thành tích của tập thể do người đó phụ trách. Trong một năm không đề nghị hai hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, trừ các hình thức khen thưởng đột xuất.

Dự thảo nêu rõ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ dùng hình thức khen thưởng của cấp mình để khen thưởng đối với đối tượng thuộc quản lý của cấp tỉnh khi tiến hành phát động thi đua theo chuyên đề và xây dựng được tiêu chí cụ thể.

2 hình thức tổ chức thi đua

Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn cụ thể về 2 hình thức thi đua bao gồm: Thi đua thường xuyên và thi đua theo đợt (hoặc theo chuyên đề).

Cụ thể, thi đua thường xuyên là hình thức thi đua được phát động và tổ chức theo năm kế hoạch, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị và tổ chức. Thi đua thường xuyên chính là việc thực hiện có hiệu quả những công việc và nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày.

Đối tượng tham gia thi đua thường xuyên là các cá nhân trong một tập thể, các tập thể trong cùng một cơ quan, đơn vị và tổ chức; hoặc giữa các cơ quan, đơn vị và tổ chức có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc tương đồng.

Theo Bộ Nội vụ, cơ quan, đơn vị và tổ chức cần phát động các phong trào thi đua thường xuyên ngay từ đầu năm và phải có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và các nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện.

Kết thúc năm công tác, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tổ chức tiến hành tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua, đề xuất hình thức khen thưởng các tập thể, cá nhân có công trạng và tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua thường xuyên.

Theo dự thảo, thi đua theo đợt (hoặc theo chuyên đề) là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất trong khoảng thời gian nhất định và được phát động khi đã xác định rõ chỉ tiêu, tiêu chí, nội dung, biện pháp và thời gian thực hiện.

Bộ Nội vụ cho biết, thi đua theo đợt (theo chuyên đề) có thể tổ chức với quy mô rộng lớn (trong phạm vi một địa phương, một ngành hoặc cả nước). Khi tiến hành sơ, tổng kết thi đua chỉ thực hiện hình thức khen thưởng của cấp phát động thi đua.

Trường hợp thi đua theo đợt (theo chuyên đề) có thời gian từ 5 năm trở lên, cơ quan, đơn vị, tổ chức chủ trì phát động thi đua lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét tặng Bằng khen. Trường hợp thành tích đặc biệt xuất sắc mới đề nghị Chủ tịch nước xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba  hoặc Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba đối với cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật