A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý ngoại hối việc cho vay ra nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 37/2013/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú.

Ảnh minh họa.

Theo Thông tư, 4 đối tượng sau đây phải thực hiện đăng ký, đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài, khoản thu hồi nợ bảo lãnh: 1- Tổ chức kinh tế thực hiện cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú; 2- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bảo lãnh cho người không cư trú; 3- Đại diện bên bảo lãnh trong khoản đồng bảo lãnh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho người không cư trú; 4- Trường hợp các thỏa thuận cho vay, thỏa thuận cấp bảo lãnh cho người không cư trú có sự tham gia của ít nhất 2 tổ chức kinh tế, từng tổ chức kinh tế thực hiện đăng ký, đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài, khoản thu hồi nợ bảo lãnh đối với phần cho vay, bảo lãnh của mình.

Cho vay ra nước ngoài phải đăng ký với NHNN

Theo Thông tư, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận cho vay và trước khi thực hiện giải ngân cho vay, bên cho vay gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) một bộ hồ sơ đăng ký khoản cho vay ra nước ngoài.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước gửi bên cho vay văn bản xác nhận đăng ký khoản cho vay ra nước ngoài. Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do.

Tương tự, với thủ tục đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày chuyển tiền thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh hoặc đại diện bên bảo lãnh (trong trường hợp đồng bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản Ngoại hối) một bộ hồ sơ đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên bảo lãnh hoặc đại diện bên bảo lãnh, Ngân hàng Nhà nước gửi bên bảo lãnh hoặc đại diện bên bảo lãnh văn bản xác nhận đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh. Trường hợp từ chối xác nhận, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có văn bản nêu rõ lý do.

Mở tài khoản cho vay ra nước ngoài, tài khoản thực hiện bảo lãnh

Theo Thông tư, trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản cho vay ra nước ngoài, tổ chức kinh tế mở một tài khoản cho vay ra nước ngoài tại một tổ chức tính dụng cung ứng dịch vụ tài khoản. Các giao dịch liên quan đến khoản cho vay ra nước ngoài (giải ngân vốn cho vay; thu hồi nợ gốc, nợ lãi và các loại phí) phải thực hiện thông qua tài khoản cho vay ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản bảo lãnh cho người không cư trú, tổ chức kinh tế mở một tài khoản bảo lãnh cho người không cư trú tại một tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tài khoản. Các giao dịch liên quan đến khoản bảo lãnh (trả nợ thay bên được bảo lãnh, thu hồi nợ từ bên bảo lãnh, các loại phí) phải thực hiện thông qua tài khoản thực hiện bảo lãnh.

Thông tư nêu rõ, trường hợp tổ chức kinh tế thực hiện cho vay, bảo lãnh cho người không cư trú là doanh nghiệp ở nước ngoài có sự tham gia góp vốn dưới hình thức đầu tư trực tiếp của bên cho vay, bên bảo lãnh, tài khoản cho vay ra nước ngoài, tài khoản thực hiện bảo lãnh là tài khoản vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh tế theo các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2014.

Theo Thông tư, bảo lãnh cho người không cư trú là việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức kinh tế là người cư trú cam kết bằng văn bản với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là người không cư trú khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.

Thông tư nêu rõ, bên cho vay, bên bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nghiên cứu về năng lực pháp lý, năng lực tài chính của bên vay, bên được bảo lãnh là người không cư trú nhằm đảm bảo thu hồi nợ gốc và lãi theo thỏa thuận cho vay, thỏa thuận cấp bảo lãnh.

Bên cạnh đó, phải tự chịu rủi ro về pháp lý và tài chính trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận cho vay, cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh và các thỏa thuận khác có liên quan.

Đồng thời phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngoại hối, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài, các quy định về bảo lãnh, bảo đảm tài sản, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài có liên quan trong việc ký và thực hiện thỏa thuận cho vay, cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật