Hàng loạt chế tài mạnh xử lý vi phạm trong biểu diễn
Ảnh minh họa
Theo đó, phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang mà không có giấy phép; thực hiện hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại trong quá trình tổ chức biểu diễn…
Nặng hơn, sẽ đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 3 - 6 tháng đối với người biểu diễn có một trong các hành vi: Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân; biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, tác phẩm bị cấm biểu diễn…
Bên cạnh đó, các cuộc thi người đẹp, người mẫu cũng là hoạt động được đưa vào quản lý với mức phạt lên tới 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm.
Cấm diễn và tăng nặng mức phạt
Ngoài hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền hiện đang áp dụng, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP đã bổ sung 2 hình thức xử phạt chính là tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn và tịch thu tang vật vi phạm.
Hình thức xử phạt chính tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn, được bổ sung để giải quyết thực trạng cần có biện pháp xử lý phù hợp đối với các cơ sở kinh doanh, cá nhân hành nghề hoạt động hoặc chỉ vi phạm một phần nội dung giấy phép. Hình thức xử phạt chính đình chỉ hoạt động có thời hạn được quy định để xử lý đối với các cơ sở kinh doanh, cá nhân hoạt động không yêu cầu phải có giấy phép.
Tịch thu tang vật vi phạm cũng được áp dụng là hình thức xử phạt chính đối với hành vi vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức để tránh việc lạm dụng, áp dụng việc tịch thu đối với tất cả những vi phạm không nghiêm trọng.
Về mức xử phạt, theo quy định cũ, mức phạt tối đa trong các lĩnh vực văn hóa (quảng cáo nằm trong văn hóa) và du lịch là 40 triệu đồng; trong lĩnh vực thể thao là 70 triệu đồng không phân biệt hành vi vi phạm của cá nhân hay tổ chức.
Tuy nhiên, tại Nghị định mới, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch tăng lên là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng; trong lĩnh vực quảng cáo đối với các nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng.
Việc điều chỉnh khung phạt tiền tăng góp phần bảo đảm việc thực hiện các quy định của pháp luật một cách nghiêm minh, việc xử phạt vi phạm hành chính cũng bảo đảm tính răn đe góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các quan hệ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Bên cạnh đó, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP cũng bổ sung sung nhiều hành vi mới như các quy định về quảng cáo, các quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, các quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, các quy định về hoạt động mỹ thuật, các quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao...
Chèo kéo, ép buộc khách du lịch sẽ bị xử phạt
Hiên nay, tình trạng chèo kéo, làm phiền khách du lịch, môi trường kinh doanh du lịch, môi trường tự nhiên tại các khu, điểm du lịch gây không ít bức xúc cho khách du lịch.
Nghị định 158/2013/NĐ-CP đã đưa ra mức phạt 3 triệu đồng đối với hành vi chéo kéo, ép buộc khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ. Với quy định này, cơ quan chức năng có công cụ để xử phạt nhằm hạn chế tình trạng đeo bám khách, cải thiện hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định cũng đã đưa ra những quy định xử phạt nhằm bảo đảm cho môi trường kinh doanh du lịch được lành mạnh về kinh doanh lữ hành. Cụ thể, phạt tiền đến 30 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh lữ hành dưới hình thức bán hàng đa cấp; phạt tiền đến 40 triệu đồng đối và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đối với hành vi kinh doanh lữ hành không đúng phạm vi kinh doanh; phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với hành vi không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hoặc sử dụng tư cách pháp nhân của tổ chức khác để kinh doanh…
Tăng gấp đôi mức phạt trong kinh doanh dịch vụ thể thao
Bên cạnh những quy định về hành vi vi phạm các quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao, Nghị định 158/2013/NĐ-CP đã quy định chế tài có thể phạt tiền lên tới 30 triệu đồng đối với hành vi gian lận trong thi đấu, tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển thể thao, trung tâm, trường năng khiếu thể thao.
Đặc biệt, đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao, việc nhân viên chuyên môn không đủ điều kiện theo quy định về bằng cấp, sức khỏe làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tập cũng được quan tâm và Nghị định đã nâng mức phạt lên tới 10 triệu đồng, gấp đôi mức phạt cũ.
Ngoài ra, hành vi chơi thô bạo làm ảnh hưởng đến sức khỏe của vận động viên khác trong thi đấu sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng và phạt tiền 50 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác.
Quảng cáo không đúng sự thật, phạt 70 triệu đồng
Việc quảng cáo hàng hóa, dịch vụ đúng theo quy định của Luật Quảng cáo nhằm bảo vệ người tiêu dùng cũng như người sản xuất, kinh doanh. Do đó, Nghị định 158/2013/NĐ-CP cũng đã quy định những hành vi vi phạm rõ ràng và chế tài xử phạt nghiêm bảo đảm giữ gìn trật tự trong quảng cáo và đủ sức răn đe trên bất kỳ phương tiện quảng cáo nào.
Cụ thể có thể bị phạt tiền tới 100 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo những hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; phạt tiền tới 70 triệu đồng đối với quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn, sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ; phạt tiền đến 200 triệu đồng đối với hành vi ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền...
Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo, có hiệu lực ngày 1/1/2014 đã có những điều chỉnh để khắc phục kịp thời những bất cập tồn tại. Một số hành vi vi phạm quy định chưa rõ ràng, khó áp dụng trong thực tế hoặc còn bỏ lọt hành vi vi phạm đã được điều chỉnh, đồng thời khắc phục tối đa tình trạng thiếu thống nhất và chồng chéo trong hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch.
Theo chinhphu.vn