A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chế tài mới xử phạt buôn bán hàng giả, hàng cấm

Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, cá nhân thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, vi phạm này của tổ chức sẽ phạt đến 400 triệu đồng.

Cá nhân thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ bị xử phạt đến 200 triệu đồng - Ảnh minh họa.


Một trong những quan điểm quan trọng xuyên suốt Nghị định 185/2013/NĐ-CP là các quy định trong Nghị định đều nhằm bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh và người tiêu dùng; góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nâng cao ý thức pháp luật của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 

Trên cơ sở nguyên tắc “đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định, cá nhân thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, vi phạm này của tổ chức sẽ áp dụng mức phạt tối đa 400 triệu đồng.

 

Cụ thể, cá nhân có hành vi buôn bán hàng cấm giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Mức phạt tiền sẽ là 200 triệu đồng nếu là hành vi sản xuất hàng cấm. Các vi phạm này của tổ chức sẽ bị phạt tiền gấp đôi.

 

Các hành vi vi phạm hành chính khác trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thương mại điện tử thì mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

 

Ví dụ, trong quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì hành vi vi phạm về trách nhiệm bảo hành hàng hóa trong trường hợp hàng hóa, linh kiện, phụ kiện liên quan có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên sẽ bị xử phạt từ 70 đến 100 triệu đồng.

 

Cũng với nguyên tắc như đã nêu trên, mức độ nghiêm khắc và tính răn đe, phòng ngừa của chế tài phạt tiền đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại do tổ chức thực hiện đã tăng lên đáng kể.

 

Bên cạnh đó, để phù hợp với tính chất, đặc điểm của các chủ thể hoạt động thương mại trên thị trường, tại Nghị định này, các hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối được xác định là “cá nhân” trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính.

 

Thu hồi tên miền của website vi phạm

 

Ngoài việc quy định các hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nhiều biện pháp khắc phục hậu quả mới đã được bổ sung vào Nghị định 185/2013/NĐ-CP, chẳng hạn như: buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; thu hồi tiêu hủy hoặc buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm; nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

 

Đặc biệt, đối với hành vi tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới, hay hành vi khách hàng trên website… thì ngoài việc bị phạt tiền tối đa đến 50 triệu đồng, còn bị buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử...

 

Mức xử phạt cũng tương tự đối với hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử; lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép, kinh doanh hàng giả, hàng hóa dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh khác.

 

Mức phạt theo giá trị hàng hóa, lĩnh vực vi phạm

 

Để phân hóa và đấu tranh có hiệu quả các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tính chất, mức độ nghiêm khắc của các hình thức xử phạt đã được xây dựng tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm trên cơ sở có sự phân biệt về quy mô, giá trị tang vật vi phạm, về loại hàng hóa, dịch vụ hay lĩnh vực vi phạm...

 

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với việc sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, kinh doanh hàng hóa nhập lậu... cũng bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch và tính liên thông trong chính sách xử lý hành chính và hình sự.

 

Ngoài ra, do được ban hành thay thế cho 7 Nghị định nên Nghị định 185/2013/NĐ-CP có số lượng lớn các điều khoản quy định về các hành vi vi phạm và hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng tương ứng.

 

Tuy có số lượng lớn các điều khoản, nhưng những quy định trong Nghị định đã được rà soát kỹ, được cập nhật, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm vừa không chồng chéo, trùng lặp hoặc mâu thuẫn với các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác vừa không bỏ sót hành vi vi phạm.

 

Theo đó, nhiều hành vi vi phạm hành chính mới đã được bổ sung như các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá thương mại điện tử, vi phạm về thành lập và hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam…

 

Quy định này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẩm quyền xử phạt trong việc quyết định các chế tài hành chính phù hợp, đúng pháp luật với chủ thể thực hiện vi phạm hành chính trong từng trường hợp cụ thể, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xử phạt. 

 

Giới hạn đối tượng được quyền xử phạt

 

Liên quan đến thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm, bên cạnh việc quy định thẩm quyền của lực lượng Quản lý thị trường với tư cách là một trong những lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại, Nghị định 185/2013/NĐ-CP cũng quy định thẩm quyền của các lực lượng chức năng khác như công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và thanh tra chuyên ngành.

 

Tuy nhiên, khác với một số nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác, thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ được quy định giới hạn cho một số lực lượng chức năng.

 

Điều này bắt nguồn từ quan điểm cho rằng hoạt động thanh tra, kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh doanh trên thị trường.

 

Hơn thế nữa, để thực hiện thanh tra, kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính đúng pháp luật đòi hỏi người có thẩm quyền phải có trình độ chuyên môn, am hiểu các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực tương ứng.

 

Các quy định như vậy nhằm ngăn chặn sự tùy tiện trong xử phạt, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh doanh.

 

Những quy định mới của Nghị định 185/2013/NĐ-CP sẽ tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong hoạt động thương mại; góp phần bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và lợi ích xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giaia đoạn phát triển mới của đất nước.

 

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật