A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phạt nặng nếu chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích tiền, hàng cứu trợ

Kể từ 15/12/2013, những hành vi vi phạm quy định về quản lý tiền, hàng cứu trợ, thì ngoài việc bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Từ trước đến nay, ngoài các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các hành vi vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội, người khuyết tật, người cao tuổi hầu hết chưa được quy định trong các Nghị định về xử phạt hành chính, có một số hành vi được quy định ở một số nghị định khác song còn rất mờ nhạt, khó khăn cho việc áp dụng.

Trong khi đó, tình trạng vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội vẫn xảy ra.

Nghị định 144/2013/NĐ-CP đã xây dựng theo hướng đưa các quy định xử phạt hành chính có tính đặc thù, liên quan tới bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi vào một Nghị định chung, góp phần nâng cao nhận thức đối với toàn xã hội trong việc bảo vệ quyền trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và vấn đề bảo trợ, cứu trợ xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong cùng nhóm lĩnh vực thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điểm đáng chú ý trong Nghị định 144/2013/NĐ-CP là việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quản lý tiền, hàng cứu trợ.

Xuất phát từ thực tiễn, với tinh thần tương thân, tương ái cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, thường các tổ chức, cá nhân cũng tham gia quyên góp, hỗ trợ các nạn nhân bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có cá nhân, tổ chức lợi dụng các hoạt động này để trục lợi, để chiếm đoạt tài sản cứu trợ hoặc sử dụng không đúng mục đích, không bảo quản làm hư hỏng thất thoát…

Theo quy định mới, các vi phạm về quản lý tiền, hàng cứu trợ như để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ; Sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng của nhà tài trợ; Chiếm đoạt tiền, hàng cứu trợ sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Tăng mức phạt với nhiều vi phạm trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Theo quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP, hầu hết các hành vi vi phạm đều có mức phạt tiền cao hơn các Nghị định trước kia. Mức phạt tiền mới được quy định nhằm tương xứng với tính chất mức độ hành vi vi phạm, mặt khác để tương ứng và hài hòa giữa các Nghị định với nhau và phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với trường hợp bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định; cha, mẹ, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Ngoài phạt tiền, cha mẹ, người nuôi dưỡng còn buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng lần lượt được áp dụng đối với các hành vi: Lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi; cha mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống và hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức.

Cũng theo Nghị định 144/2013/NĐ-CP, hành vi đặt nghĩa trang, kho chứa thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, chất phóng xạ, chất dễ gây cháy, nổ trong phạm vi ảnh hưởng đến cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em; đặt cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em trong phạm vi ảnh hưởng của nghĩa trang, kho chứa thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, chất phóng xạ, chất dễ gây cháy, nổ hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh có chất thải độc hại, có tiếng ồn lớn vượt quá giới hạn theo quy định của pháp luật bị phạt tiền tối đa đến 25 triệu đồng.

Mức phạt tiền cao nhất đến 50 triệu đồng áp dụng đối với hành vi đưa hình ảnh của trẻ em vào sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị.

Cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật cũng bị xử phạt

Nghị định 144/2013/NĐ-CP ban hành đã quy định xử phạt hành chính đối với nhiều lĩnh vực, nhiều nhóm chế định trong mảng xã hội như bảo trợ, cứu trợ xã hội, bảo vệ người cao tuổi, người khuyết tật.

Đây là lần đầu tiên có quy định tương đối riêng biệt về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ người cao tuổi, người khuyết tật, thể hiện quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi và người khuyêt tật.

Nghị định 144/2013/NĐ-CP đã chỉ rõ, hành vi từ chối tuyển dụng người khuyết tật đủ tiêu chuẩn vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; cản trở quyền kết hôn; quyền nuôi con của người khuyết tật; cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng và tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội bị phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật