Đồng bộ các quy định pháp luật về chứng thực
Ảnh minh họa.
Bộ Tư pháp cho biết, sau khi Luật Công chứng (Luật số 82/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006) có hiệu lực thi hành thì hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực đã có sự tách bạch rõ ràng. Sau gần 7 năm thực hiện chủ trương tách bạch hoạt động chứng thực và hoạt động công chứng, công tác chứng thực đã bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, công tác chứng thực vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Cụ thể, có nhiều văn bản cùng điều chỉnh hoạt động chứng thực dẫn đến tình trạng chắp vá, thiếu đồng bộ. Theo Bộ Tư pháp, hiện tại có tới 4 Nghị định (Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, Nghị định số 04/2012/NĐ-CP, Nghị định số 06/2012/NĐ-CP và Nghị định số 75/2000/NĐ-CP) và 6 Thông tư cùng điều chỉnh hoạt động chứng thực. Chính vì pháp luật điều chỉnh hoạt động chứng thực còn tản mạn trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó trực tiếp điều chỉnh hoạt động chứng thực mới là Nghị định, chưa ở tầm luật; do đó, thiếu tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực pháp lý chưa cao đồng thời dẫn đến khó áp dụng đối với cả người dân và cơ quan thực hiện chứng thực và ảnh hưởng đến tính thống nhất pháp chế của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, việc phân định thẩm quyền chứng thực chủ yếu căn cứ vào thực trạng đội ngũ công chức (làm công tác chứng thực ở Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã), chưa căn cứ vào tính chất của hoạt động chứng thực, cũng như giá trị pháp lý của văn bản chứng thực; chưa có quy định về những loại giấy tờ, văn bản không được chứng thực chữ ký; chưa có sự tách bạch rõ ràng giữa phạm vi chứng thực hợp đồng, giao dịch với công chứng hợp đồng, giao dịch; do đó việc chứng thực hợp đồng, giao dịch còn chưa phù hợp với tính chất của hoạt động chứng thực.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu trên thì việc ban hành Nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch là hết sức cần thiết. Nghị định này sẽ tạo cơ sở pháp lý và tiền đề quan trọng để đưa hoạt động chứng thực vào nền nếp, tạo sự yên tâm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng giấy tờ, văn bản đã được chứng thực, đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Bộ Tư pháp đã dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 47 điều, ngoài những quy định chung, dự thảo nêu rõ quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; chứng thực hợp đồng, giao dịch…
Các trường hợp không được chứng thực bản sao từ bản chính
Để đảm bảo thuận lợi cho người thực hiện chứng thực, dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể hơn các trường hợp không được chứng thực bản sao từ bản chính, như: Bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc giả mạo; Bản chính đã bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt hoặc đã bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung; Bản chính có xác định độ mật của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức đoàn thể khác; Bản chính giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp mà chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật; trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự trên cơ sở Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc nguyên tắc có đi, có lại; Bản chính có nội dung tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại đến an ninh quốc gia; xuyên tạc lịch sử; xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trái đạo đức xã hội; Đơn, thư và các giấy tờ do cá nhân tự lập không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Các giấy tờ, văn bản khác mà pháp luật quy định không được sao.
Theo chinhphu.vn