A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định về bảo hiểm thất nghiệp

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp...

về mức hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, về việc giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp...

Theo đó, về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo bổ sung trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội; người lao động tạm hoãn thực hiện giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật thì thời gian này người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện thủ tục, trình tự tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Đồng thời phải thông báo với cơ quan lao động khi có biến động lao động làm việc tại đơn vị theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Hiện nay Nghị định 127/2008/NĐ-CP quy định: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động phải đến cơ quan lao động để đăng ký.

Tuy nhiên, dự thảo đề xuất sửa đổi như sau: Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động.

Đồng thời, dự thảo còn bổ sung một số quy định liên quan đến giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như: Trong thời hạn 15 ngày, tính theo ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ học nghề của người thất nghiệp, cơ quan lao động có trách nhiệm giải quyết. Trường hợp không giải quyết phải trả lời bằng văn bản.

Ngoài ra, dự thảo yêu cầu cơ quan lao động phải thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cũng như phải chi trả chi phí hỗ trợ học nghề cho cơ sở dạy nghề, chi trả chi phí tư vấn, giới thiệu việc làm và thanh quyết toán với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định.

Về mức hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn theo quy định của pháp luật về dạy nghề.

Tại dự thảo đề xuất sửa đổi theo hướng: Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tuỳ theo mức chi phí học nghề của từng nghề, mức hỗ trợ học nghề được tính theo tháng trên cơ sở mức chi phí đào tạo của từng nghề. Mức hỗ trợ học nghề cụ thể theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo của từng nghề và từng người lao động, nhưng không quá 6 tháng. Thời gian bắt đầu để được hỗ trợ học nghề tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.

Bên cạnh đó, dự thảo còn bổ sung yêu cầu: Tổ chức bảo hiểm xã hội phải cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thông qua cơ quan lao động khi nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.


Tin nổi bật Tin nổi bật