Hướng dẫn chính sách tín dụng phát triển thủy sản
Ảnh minh họa.
Dự thảo Thông tư quy định việc cho vay đặt hàng đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; cho vay vốn lưu động để khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
Điều kiện cho vay
Tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ điều kiện vay vốn của các chủ tàu theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Cụ thể, đối với cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, chủ tàu có tên trong danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể; tàu đóng mới phải có công suất máy chính từ 400 CV trở lên; nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính trên 400 CV và tàu được nâng cấp công suất máy chính từ 400 CV trở lên.
Đối với cho vay vốn lưu động, chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất kinh doanh cụ thể; chủ tàu mua đầy đủ bảo hiểm theo quy định đối với tàu, thuyền viên trên tàu.
Ở cả 2 trường hợp trên, phương án vay vốn phải được ngân hàng thương mại thẩm định có hiệu quả, khả thi.
Nhà nước hỗ trợ lãi suất tối đa 11 năm
Theo dự thảo, mức cho vay, lãi suất cho vay được thực hiện theo quy định tại điểm c, điểm e khoản 1 và điểm c, điểm d khoản 3 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Lãi suất nợ quá hạn: Tối đa bằng 130% lãi suất cho vay trong hạn (bao gồm cả phần hỗ trợ lãi suất của Nhà nước) được quy định trong hợp đồng tín dụng.
Về thời hạn cho vay, theo dự thảo, thời hạn cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 11 năm. Ngân hàng thương mại và khách hàng có thể thỏa thuận thời hạn cho vay dài hơn, nhưng thời gian Nhà nước hỗ trợ lãi suất tối đa 11 năm.
Dự thảo nêu rõ, thời hạn cho vay vốn lưu động do ngân hàng thương mại và chủ tàu thỏa thuận, phù hợp với chuyến đi biển hoặc cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ nhưng không vượt quá 12 tháng.
Theo dự thảo, chủ tàu vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có thể sử dụng chính con tàu đóng mới, nâng cấp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay. Trường hợp cho vay vốn lưu động: Ngân hàng thương mại xem xét và quyết định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản đối với chủ tàu, theo quy định của pháp luật.
Ngày 7/7/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Nghị định nêu rõ, đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Còn trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm. Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản, trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm. Đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên (phần máy bổ sung hoặc thay thế phải là máy mới 100%): Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp tàu, bao gồm cả chi phí gia cố vỏ tàu, chi phí mua trang thiết bị và ngư lưới cụ mới phục vụ khai thác hải sản (nếu có) với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. * Các chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản được vay vốn lưu động với hạn mức vay: Tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản; chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản. |
Theo chinhphu.vn