|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn thu, chi tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN).


Ảnh minh họa.

Thông tư quy định rõ, các đơn vị KBNN thực hiện thanh toán các khoản chi của đơn vị giao dịch theo nguyên tắc thanh toán bằng chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN tới tài khoản của người cung cấp hàng hóa dịch vụ, người hưởng lương từ NSNN và người thụ hưởng khác tại KBNN hoặc ngân hàng, trừ những trường hợp được phép chi bằng tiền mặt theo quy định.

Các đơn vị giao dịch có tài khoản tại KBNN khi thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản tiền gửi tại KBNN hoặc ngân hàng, thì các đơn vị giao dịch thực hiện thanh toán bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản tại ngân hàng hoặc KBNN, khi thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN phải ưu tiên thanh toán bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; các khoản thu NSNN theo hình thức khấu trừ trực tiếp từ tài khoản của đơn vị, tổ chức, cá nhân tại KBNN sang thu nộp NSNN, thì thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Đối với các khoản thu NSNN bằng tiền mặt phát sinh tại đơn vị giao dịch (như phí, lệ phí, tiền phạt vi phạm hành chính): Khi có phát sinh các khoản thu NSNN bằng tiền mặt, các đơn vị giao dịch phải nộp đầy đủ, kịp thời số tiền mặt đã thu vào tài khoản tương ứng tại KBNN nơi đơn vị giao dịch hoặc nộp vào tài khoản của KBNN tại ngân hàng thương mại theo đúng chế độ quy định; đơn vị giao dịch không được giữ lại nguồn thu NSNN bằng tiền mặt để chi, trừ trường hợp được phép để lại chi theo chế độ quy định.

Thông tư cũng quy định về nội dung chi bằng tiền mặt gồm: Các khoản chi thanh toán cá nhân, bao gồm tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, học bổng học sinh, sinh viên, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, chi cho cán bộ xã, thôn, bản đương chức, chi về công tác người có công với cách mạng và xã hội, chi lương hưu và trợ cấp xã hội, chi tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non, học sinh, các khoản thanh toán khác cho cá nhân; các khoản chi giải phóng mặt bằng trực tiếp cho dân, chi mua sắm vật tư do nhân dân khai thác và cung ứng được chính quyền địa phương và chủ đầu tư chấp thuận (bao gồm các khoản chi do chủ đầu tư mua để cấp cho đơn vị thi công), chi xây dựng các công trình do dân tự làm của xã.

Ngoài ra còn có một số nội dung chi bằng tiền mặt khác như: Chi một số nhiệm vụ của đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ; chi trả nợ dân (chỉ bao gồm các khoản chi trả trái phiếu, công trái bán lẻ trong hệ thống KBNN cho các cá nhân, chi trả bằng tiền mặt đối với vàng bạc, đá quý, tư trang tạm giữ cho các nguyên chủ); chi mua lương thực dự trữ (chỉ bao gồm phần do cơ quan Dự trữ Quốc gia thu mua trực tiếp của dân, không bao gồm phần mua qua các Tổng công ty, công ty lương thực được thanh toán bằng chuyển khoản); các khoản chi của đơn vị giao dịch có giá trị nhỏ không vượt quá 5 triệu đồng đối với một khoản chi.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2017.

Theo Khánh Linh (baochinhphu.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật