Quản lý chi phí cưỡng chế thi hành xử phạt vi phạm hành chính
Ảnh minh họa.
Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt (cưỡng chế) theo quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó đối tượng bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho hoạt động cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP.
Việc xác định chi phí cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, bao gồm các chi phí: Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế: chi phí bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế; chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản; chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản kê biên; chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản…
Thông tư quy định rõ mức chi bồi dưỡng cho những người được huy động trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế. Đối với cán bộ, công chức của cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế được huy động thực hiện cưỡng chế, lực lượng công an, dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương trực tiếp tham gia cưỡng chế: Người chủ trì mức 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế, đối tượng khác mức 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.
Đại diện tổ dân phố, trưởng thôn và các đối tượng khác được người ra quyết định cưỡng chế huy động tham gia cưỡng chế, mức chi là 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/03/2017.
Theo Lan Phương (baochinhphu.vn)