Không vận hành hồ chứa để cắt, giảm lũ phạt đến 500 triệu đồng
Ảnh minh họa.
Quy định trên được đưa ra tại Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, vi phạm quy định về hồ chứa.
Mức phạt trên cũng là mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Mức phạt này cũng sẽ được áp dụng đối với hành vi không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác.
Theo Nghị định, hành vi không xây dựng phương án để đối phó tình huống vỡ đập, các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân sẽ bị xử phạt từ 200-220 triệu đồng.
Hành vi không thực hiện vận hành duy trì mực nước hồ tương ứng với các thời kỳ theo quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa sẽ bị phạt từ 160-180 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hành vi không thực hiện kế hoạch, phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu cũng bị phạt tiền từ 100-120 triệu.
Nuôi thủy sản trái phép trên hồ chứa phạt đến 160 triệu
Theo Nghị định, một trong các hành vi như: Không lập hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định hoặc không bàn giao mốc chỉ giới hành lang bảo vệ hồ chứa cho UBND cấp xã; sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản; không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình theo quy định… sẽ bị phạt từ 10-80 triệu đồng. Số tiền phạt sẽ được áp dùng tùy theo dung tích các hồ chứa có hành vi vi phạm.
Các mức phạt trên được áp dụng với cá nhân. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi.
Theo chinhphu.vn