Nhiều ưu đãi cho người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
Ảnh minh họa.
Nghị định này áp dụng đối với người đi đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đáp ứng 4 điều kiện: 1- Là công dân Việt Nam đang học tập, nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; 2- Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tuyển chọn đi đào tạo, bồi dưỡng; 3- Có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tinh thần trách nhiệm cao; 4- Có đủ sức khỏe để tham gia học tập, nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Đào tạo trong nước được miễn học phí
Sinh viên đào tạo trình độ cao đẳng ở trong nước được miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí; được cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng 1,5 mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nếu xếp loại học lực giỏi trở lên; bằng 1,0 mức lương cơ sở nếu xếp loại học lực khá.
Ngoài miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí, sinh viên đào tạo trình độ đại học ở trong nước cũng được cấp sinh hoạt phí hàng tháng với mức cao hơn, bằng 2,5 mức lương cơ sở nếu xếp loại học lực giỏi trở lên; bằng 1,5 mức lương cơ sở nếu xếp loại học lực khá. Việc xét cấp sinh hoạt phí được tiến hành theo học kỳ của năm học, một năm học xét 2 lần.
Bên cạnh đó, sinh viên đào tạo trình độ đại học còn được xem xét tuyển chọn đi thực tập 6 tháng ở nước ngoài nếu năm cuối của chương trình đào tạo đạt học lực khá trở lên. Mọi chi phí thực tập ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm. Đồng thời, các sinh viên này còn được chuyển tiếp học cao học và làm nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài nếu tốt nghiệp đạt loại giỏi trở lên. Đặc biệt, các sinh viên này được ưu tiên tuyển chọn vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, không phải qua thời gian thử việc nếu tốt nghiệp đạt loại giỏi trở lên.
Học viên cao học, nghiên cứu sinh đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ trong nước được miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí; được cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng 3,5 lần mức lương cơ sở; được giữ nguyên lương trong thời gian đào tạo; tham dự hội nghị, hội thảo khoa học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở nước ngoài; chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; đi thực tập 6 tháng ở nước ngoài trong năm cuối của chương trình đào tạo. Mọi chi phí thực tập ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm; hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức đối với một công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI.
Giảng viên, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học và kỹ thuật làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
Đào tạo ở ngoài nước được cấp vé máy bay khứ hồi
Ngoài quy định mức ưu đãi, hỗ trợ đào tạo ở trong nước, Nghị định cũng quy định nhiều ưu đãi, hỗ trợ đào tạo ở ngoài nước.
Cụ thể, sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở ngoài nước được cấp 2 vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông đối với sinh viên và nghiên cứu sinh, 1 vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông đối với học viên cao học trong quá trình học để đi và về Việt Nam; được cấp lệ phí làm hộ chiếu, visa.
Các sinh viên, học viên này còn được cấp sinh hoạt phí bằng 1,2 lần mức sinh hoạt phí cao nhất hiện đang cấp cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh Việt Nam đi học ở nước ngoài theo các Đề án đào tạo của Chính phủ Việt Nam; được mua bảo hiểm y tế mức tối thiểu do nước sở tại quy định áp dụng chung cho công dân nước ngoài đến học tập; cấp lệ phí sân bay, tiền tàu, xe từ sân bay đến nơi đào tạo và ngược lại; giữ nguyên lương đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh trong thời gian học tập, nghiên cứu ở ngoài nước.
Giảng viên, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học và kỹ thuật làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn ở ngoài nước được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành, giữ nguyên lương và các chế độ theo quy định trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn ở ngoài nước.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2013.
Theo chinhphu.vn