A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định việc phong tỏa tiền, tài sản liên quan đến khủng bố

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

Nghị định quy định cụ thể việc phong tỏa tài khoản, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được phát hiện thông qua hoạt động tài chính hoặc hoạt động kinh doanh ngành nghề phi tài chính.

Theo đó, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, làm rõ ngay khi có nghi ngờ giao dịch của khách hàng có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Trường hợp phát hiện tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì phải thực hiện ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa toàn bộ tiền, tài sản đó; đồng thời, phải báo cáo ngay bằng văn bản, kèm theo các tài liệu có liên quan cho Giám đốc Công an cấp tỉnh để xem xét, quyết định.

Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục An ninh I (Bộ Công an) xem xét: Nếu tiền, tài sản đã bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa đúng là của tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì ra quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong hoặc tạm giữ và gửi quyết định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành. Trường hợp tổ chức, cá nhân đó không thuộc danh sách  tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính để chấm dứt ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa đã thực hiện.

Trường hợp qua hoạt động nghiệp vụ hoặc qua tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác của tổ chức, cá nhân mà có căn cứ cho rằng có tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố đang lưu thông trong hoạt động tài chính, hoặc hoạt động kinh doanh ngành nghề phi tài chính thì cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh, cơ quan phòng, chống khủng bố thuộc Tổng cục An ninh I (Bộ Công an) có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác minh, làm rõ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan  thực hiện ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong hoặc tạm giữ tiền, tài sản đó và báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I để xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, quyết định xử lý tiền, tài sản đó. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh ở nhiều nơi thì thời hạn ra quyết định không quá 60 ngày; trường hợp phải xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài thì thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày có quyết định phong tỏa tài khoản, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

Xử lý tài sản liên quan đến khủng bố thông qua hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính

Nghị định cũng quy định cụ thể về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được phát hiện thông qua hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính.

Theo đó, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính khi phát hiện bưu gửi có dấu hiệu chứa tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh và phối hợp với cơ quan này mở, kiểm tra, xử lý bưu gửi có dấu hiệu chứa tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố theo quy định của Nghị định này.

Trường hợp qua hoạt động nghiệp vụ hoặc qua tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác của tổ chức, cá nhân mà xác định có căn cứ cho rằng trong bưu gửi có chứa tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh, cơ quan phòng, chống khủng bố thuộc Tổng cục An ninh I (Bộ Công an) có văn bản yêu cầu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính mở bưu gửi để kiểm tra; nếu phát hiện có tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý theo quy định.

Theo Nghị định, các hành vi nghiêm cấm gồm:

1. Lợi dụng việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Tiết lộ thời gian, địa điểm, nội dung bưu gửi được mở, kiểm tra.

3. Trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp tiền, tài sản, nguồn tài chính, nguồn lực kinh tế, dịch vụ tài chính hoặc dịch vụ khác cho tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật