A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phấn đấu đến 2015, bệnh nhân không phải nằm ghép

Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2015 cơ bản không còn tình trạng nằm ghép, bảo đảm mỗi người bệnh điều trị nội trú/một giường bệnh tại các bệnh viện đang quá tải trầm trọng.

Dự thảo Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2012 – 2020 đang được Bộ Y tế công bố, lấy ý kiến nhân dân.

Bộ Y tế xác định mục tiêu đưa công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện hiện trong tình trạng quá tải trầm trọng (≥ 120%) xuống dưới mức 100% và cơ bản không còn tình trạng nằm ghép, bảo đảm mỗi người bệnh điều trị nội trú/một giường bệnh vào năm 2015, giảm tải bệnh viện bền vững vào năm 2020.

Đồng thời, mỗi bác sỹ khám bệnh không quá 50 người bệnh/8 giờ làm việc vào năm 2015 và 35 người bệnh/8 giờ làm việc vào năm 2020.

Tăng tối thiểu 11.350 giường bệnh

Bộ đề ra kế hoạch nâng cấp, mở rộng và xây mới để tăng tối thiểu 11.350 giường bệnh cho các bệnh viện hiện đang quá tải trầm trọng tại tuyến trung ương và 2 thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, ở tuyến trung ương, sẽ tăng thêm tối thiểu 6.650 giường bệnh tại các Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức.

 

Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương diễn ra trầm trọng ở các bệnh viện như: Bệnh viện K, công suất sử dụng giường bệnh 249%; còn ở Bệnh viện Bạch Mai là 168%; Chợ Rẫy 154%; Phụ sản Trung ương 124%,...

Tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trung ương còn xảy ra trong lĩnh vực khám bệnh, tỷ lệ khám bình quân của một bác sĩ trên ngày vượt quá cao so với định mức mà Bộ Y tế đề ra như: Bệnh viện Bạch Mai trung bình 50-55 người bệnh/bác sĩ/ngày, bệnh viện Chợ Rẫy trung bình 55-60 người bệnh/bác sĩ/ngày…

 

Tại thành phố Hà Nội, Bộ dự kiến đưa thêm tối thiểu 1.700 giường bệnh vào hoạt động tại Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản.

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh đưa thêm ít nhất 3.000 giường bệnh ở các bệnh viện: Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2.

Hoàn thiện mạng lưới bệnh viện cả nước

Dự thảo dự kiến xây dựng các chương trình đầu tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ cho hệ thống bệnh viện.

Theo đó, sẽ tiến hành xây dựng các dự án đầu tư xây dựng cơ sở II của 6 bệnh viện trung ương gồm: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở II quy mô 1.500 giường bệnh; Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở II quy mô 1.500 giường bệnh; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở II quy mô 1.000 giường bệnh; Bệnh viện Tim mạch quốc gia quy mô 500 giường bệnh; Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cơ sở II quy mô 500 giường bệnh; Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở II quy mô 800 giường bệnh.

Tại thành phố Hà Nội dự kiến tiến hành đầu tư, xây dựng phát triển mô hình các tổ hợp công trình y tế đa chức năng có tầm cỡ quốc tế tại thành phố Hà Nội tại 5 cụm đô thị Gia Lâm – Long Biên; Hòa Lạc; Sóc Sơn; Phú Xuyên; Sơn Tây.

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh dự kiến phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các cụm y tế tại 4 cửa ngõ của thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2015 sẽ tăng được 150.000 m mặt sàn sử dụng cho khu vực trung tâm và tăng 4.300 giường bệnh cho các khu vực cửa ngõ thành phố.

Đối với các tỉnh, thành phố khác, dự kiến tập trung đầu tư phát triển theo quy hoạch tổng thể mạng lưới khám, chữa bệnh, trong đó ưu tiên phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi.

Hình thành mạng lưới bệnh viện vệ tinh

Bên cạnh đó, hình thành mạng lưới bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thuộc 5 chuyên khoa: ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh.

Cụ thể, đối với chuyên khoa Ung bướu, hình thành 15 khoa thuộc 15 bệnh viện làm vệ tinh cho Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyên khoa Sản sẽ có 20 khoa thuộc 20 bệnh viện bệnh viện làm vệ tinh cho bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh. Còn chuyên khoa Nhi sẽ có 20 khoa thuộc 20 bệnh viện làm vệ tinh cho Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh.


Tin nổi bật Tin nổi bật