Sẽ có quy định mới đánh giá học sinh tiểu học
Ảnh minh họa.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đánh giá học sinh tiểu học giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục, có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học; giúp học sinh có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ.
Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT hiện đang được áp dụng quy định cụ thể về đánh giá và xếp loại hạnh kiểm, học lực của học sinh tiểu học với 4 mức xếp loại học lực: Giỏi - Khá - Trung bình - Yếu.
Tại dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh nội dung đánh giá học sinh tiểu học toàn diện bao gồm chuẩn kiến thức, kĩ năng, năng lực, phẩm chất cần thiết nhất của học sinh tiểu học.
Theo dự thảo, đánh giá học sinh tiểu học bao gồm đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì.
Không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên
Đối với đánh giá thường xuyên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tùy theo tình hình thực tế học tập của mỗi học sinh mà giáo viên nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết vào vở bài làm của học sinh để học sinh biết cách vượt qua các lỗi mình mắc phải hoặc có thể ghi vào Sổ theo dõi đánh giá học sinh những điều cần lưu ý để có kế hoạch giúp đỡ học sinh.
Dự thảo đặc biệt nhấn mạnh không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên.
Bên cạnh việc giáo viên đánh giá, học sinh cũng có thể tự đánh giá và tham giam nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn. Phụ huynh cũng có thể tham gia đánh giá học sinh thông qua việc quan sát hoặc cùng tham gia hoạt động học tập, hoạt động giáo dục với học sinh; quan sát việc ứng dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày của học sinh; đưa ra các nhận xét, nhận định, đánh giá học sinh bằng lời nói trực tiếp với giáo viên hoặc ghi vào phiếu đánh giá hay sổ liên lạc, phối hợp với giáo viên và nhà trường động viên, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là những việc làm cần thiết để giúp học sinh học tập tốt hơn, không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh về điểm số hàng ngày.
Về đánh giá định kỳ, theo dự thảo, sẽ đánh giá định kì kết quả học tập, mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học vào cuối học kì I và cuối năm học đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra định kì.
Đề kiểm tra sẽ được thiết kế theo ba mức độ nhận thức của học sinh và được đánh giá theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân.
Tổng hợp đánh giá
Theo dự thảo, vào cuối học kì I và cuối năm học, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tổ chức họp với các giáo viên cùng dạy trong lớp để nhận xét, nhận định quá trình học tập, kết quả học tập, đánh giá mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của từng học sinh.
Theo dự thảo, học sinh được coi là hoàn thành chương trình lớp học phải đạt các tiêu chuẩn sau: Đánh giá thường xuyên đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo dục: Hoàn thành ; đánh giá định kì kết quả học tập cuối năm học các môn học theo quy định đạt điểm 5 trở lên; mức độ hình thành và phát triển một số năng lực: Đạt ; mức độ hình thành và phát triển một số phẩm chất: Đạt.
Với học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên lập kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từng học sinh ; đánh giá bổ sung để xét Hoàn thành chương trình lớp học.
Học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 được hiệu trưởng xác nhận vào Phiếu tổng hợp đánh giá cuối năm học lớp 5: Hoàn thành chương trình tiểu học.
Dự thảo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý trên website của Bộ.
Theo chinhphu.vn