|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiêu chí đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở

(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định Quy định tiêu chí đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân, trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Ảnh minh họa

Quy định này áp dụng đối với các hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình bị ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, lũ, ngập lụt. Các cơ quan, tổ chức, các cá nhân có liên quan đến hoạt động phòng, chống thiên tai.

Theo đó, tiêu chí đảm bảo phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới, lốc đối với công trình, nhà ở khi xây dựng mới được quy định:

1. Đối với nhà ở phải đảm bảo các thành phần: Móng làm bằng bê tông cốt thép, gạch/đá; cột, tường làm bằng bê tông cốt thép, gạch/đá, sắt/thép/gỗ bền chắc; sàn làm bằng bê tông cốt thép/gỗ bền chắc; mái làm bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu có chất lượng tốt, đảm bảo khả năng phòng, tránh bão.

2. Đối với công trình phải đảm bảo các thành phần: Móng làm bằng bê tông cốt thép, gạch/đá; cột, tường làm bằng gạch/đá, sắt/thép/gỗ bền chắc; mái làm bằng vật liệu có chất lượng tốt, đảm bảo khả năng phòng, tránh bão.

Ngoài ra, tiêu chí đảm bảo phòng, chống lũ, ngập lụt đối với công trình, nhà ở còn phải đáp ứng một số tiêu chí như:

1. Đối với công trình, nhà ở xây dựng mới: Phải có sàn chống lũ với diện tích tối thiểu 18m2 (diện tích cho người khoảng 9m2, kho chưa nhu yếu phẩm khoảng 5m2, khu vực cho gia súc khoảng 4m2) cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng.

2. Đối với công trình, nhà ở hiện trạng khi cải tạo, nâng tầng phải đảm bảo có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng; diện tích xây dựng sàn tối thiểu 10m2.

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực Quyết định này; phối hợp và hướng dẫn địa phương thực hiện quy hoạch xây dựng, bảo đảm an toàn công trình, nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình, cá nhân trước thiên tai; hướng dẫn một số giải pháp về chằng, chống nhà cửa trước mùa mưa bão.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện Quyết định này. Đồng thời quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị, điểm dân cư nông thôn thích ứng với đặc điểm thiên tai trên địa bàn, bảo đảm phát triển bền vững. Tổ chức thường trực, chỉ huy công tác ứng phó thiên tai; tổng hợp, thống kê, đánh giá thiệt hại công trình, nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình, cá nhân do thiên tai gây ra.

Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện Quyết định này; Tổ chức thường trực, chỉ huy việc phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình, cá nhân; thống kê thiệt hại đối với công trình, nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình, cá nhân do thiên tai gây ra trên địa bàn; Phổ biến tài tiệu Hướng dẫn phân loại nhà an toàn do Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng biên soạn đến người dân trên địa bàn.

Hộ gia đình, cá nhân chủ sở hữu công trình, nhà ở chủ động xây dựng, nâng cấp, bảo vệ công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình bảo đảm an toàn theo Quyết định này; chủ động di dời đến nơi an toàn trước khi xảy ra thiên tai; không xây dựng nhà ở hoặc cư trú tại khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai. Thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai tại địa phương. Chủ động trang bị thiết bị theo khả năng để tiếp nhận bản tin dự báo, cảnh báo và sự chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống thiên tai. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện theo khả năng để phòng, chống thiên tai. Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình khi thiên tai xảy ra. Chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 21/7/2021, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 7 năm 2021.

TL


Tin nổi bật Tin nổi bật