Ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử trong cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh
Ảnh minh họa
Quy chế này gồm 6 chương, 28 điều; quy định về hoạt động tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử trong cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định; công tác quản lý, khai thác và sử dụng văn bản điện tử; quản lý, duy trì phần mềm quản lý văn bản; các điều kiện đảm bảo cho hoạt động gửi, nhận văn bản điện tử. Quy chế này không áp dụng đối với việc gửi, nhận, quản lý, lưu trữ văn bản điện tử có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định (gọi chung là các cơ quan, đơn vị, địa phương). Các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động gửi, nhận văn bản với các sở, ban, ngành, địa phương, nếu đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để áp dụng, được thực hiện theo quy định tại Quy chế này.
Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc sử dụng mã định danh cơ quan, mã định danh văn bản và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các Hệ thống để gửi, nhận văn bản điện tử; quản lý thống nhất danh sách mã định danh của các cơ quan, đơn vị, địa phương phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; tổng hợp, cập nhật kịp thời mã định danh cơ quan khi có sự thay đổi về đơn vị hành chính, cơ cấu tổ chức của các cơ quan vào Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh thực hiện giám sát, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho Trục liên thông văn bản tỉnh; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm an toàn thông tin cho Hệ thống của cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định. Đảm bảo chất lượng dịch vụ Mạng truyền số liệu giữa các cơ quan nhà nước và chuyên dùng của tỉnh thông suốt, ổn định đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ hoàn chỉnh các chức năng cơ bản của Hệ thống theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đảm bảo việc trao đổi dữ liệu giữa Hệ thống với Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử của Lưu trữ lịch sử tỉnh. Chỉ đạo đơn vị xây dựng Hệ thống cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh các tính năng của phần mềm đảm bảo đáp ứng theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và thực hiện bồi dưỡng, tập huấn cho các cơ quan khai thác, sử dụng phần mềm kịp thời khi có phiên bản mới. Căn cứ kế hoạch hàng năm lập dự toán kinh phí cho việc quản lý, duy trì Hệ thống, Trục liên thông văn bản tỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt. Chủ trì phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý, khắc phục các sự cố về kỹ thuật và đảm bảo an toàn thông tin trên Hệ thống, Trục liên thông văn bản tỉnh kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức kết nối, liên thông Hệ thống với Trục liên thông văn bản tỉnh, đáp ứng yêu cầu về gửi, nhận văn bản điện tử theo Quy chế này.
Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương quy trình nghiệp vụ cụ thể quản lý văn bản đến, văn bản đi, lập hồ sơ trong Hệ thống; việc giao nộp hồ sơ điện tử vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử tỉnh; việc bảo quản tài liệu điện tử; sao lưu dữ liệu, tài liệu điện tử; việc khai thác, sử dụng tài liệu điện tử. Đưa tiêu chí triển khai gửi, nhận văn bản điện tử là một trong các tiêu chí đánh giá chỉ số cải cách hành chính và thi đua khen thưởng của các cơ quan, tổ chức hàng năm.
Sở Tài chính cân đối kinh phí để bố trí đầy đủ, kịp thời trong kế hoạch ngân sách hàng năm để bảo đảm duy trì, phát triển vận hành Hệ thống trong các cơ quan và phương tiện lưu trữ tài liệu điện tử của tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện Quy chế này. Kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Triển khai phần mềm quản lý văn bản thuộc phạm vi quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị mình bảo đảm khả năng kết nối, liên thông với Trục liên thông văn bản tỉnh. Thực hiện các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong việc gửi, nhận văn bản điện tử. Đối với các cơ quan, địa phương chưa hoàn thành việc kết nối, liên thông văn bản điện tử nội bộ có trách nhiệm in văn bản điện tử được ký số từ Hệ thống, đóng dấu đến để xử lý như văn bản giấy theo quy định; thực hiện hoàn thành kết nối, liên thông văn bản điện tử nội bộ, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quy chế này trước ngày 30 tháng 12 năm 2019.
Chủ tịch UBND xã có kế hoạch triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện về kết quả thực hiện Quy chế này. Thực hiện các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong việc gửi, nhận văn bản điện tử.
Quyết định 43/2019/QĐ-UBND có hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 8 năm 2019.
Kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, các quy định sau sẽ hết hiệu lực, bao gồm: Điều 8 Quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống Văn phòng điện tử liên thông trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định ban hành theo Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 08/7/2016 của UBND tỉnh Bình Định. Các Điều 4, 7, 8, 9 Quy chế quản lý, sử dụng chứng thư số và chữ ký số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Bình Định ban hành theo Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND tỉnh Bình Định.
Kim Loan