|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải cách hành chính góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Dân số khoảng gần 1,5 triệu người, đứng thứ 20 cả nước. Bình Định có 11 đơn vị hành chính, gồm: thành phố Quy Nhơn, 2 thị xã và 8 huyện; 159 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 117 xã, 32 phường và 10 thị trấn). Bình Định luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá để xây dựng một nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chính vì vậy, những năm qua, nền hành chính của tỉnh đã có bước chuyển biến quan trọng theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tạo được lòng tin của Nhân dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo thuận cho tất cả các nhà đầu tư. Ngày 01/4/2019, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh Bình Định đi vào hoạt động và trở thành điểm nhấn trong cải cách thủ tục hành chính, khắc phục sự chậm trễ, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ số PAPI năm 2020 đạt 43,25 điểm, xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố, tăng 41 bậc so với năm 2019.

1. Thực trạng công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định

a. Về cải cách thể chế

Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành 87 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), trong đó có 17 nghị quyết, 70 quyết định để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương.

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản được quan tâm thực hiện thường xuyên theo kế hoạch, từ đó đã kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản đã hết hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp, bảo đảm cho hệ thống VBQPPL của tỉnh được đồng bộ, thống nhất; những hạn chế, thiếu sót trong công tác soạn thảo và ban hành VBQPPL của tỉnh từng bước được khắc phục.

Ngày 14/01/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 168/QĐ-UBND về kế hoạch rà soát hệ thống hóa VBQPPL năm 2021; Quyết định số 298/QĐ-UBND ngày 22/01/2021 công bố danh mục VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh hết hiệu lực toàn bộ, hết hiệu lực một phần của năm 2020. Trong quý I/2021, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp tham gia thẩm định 19 dự thảo VBQPPL, góp ý 18 dự thảo VBQPPL và văn bản hành chính khác theo quy định.

b. Về cải cách TTHC

Xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành CCHC và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực, tập trung trên các lĩnh vực người dân và doanh nghiệp có nhiều bức xúc, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh xây dựng các quy định về thực hiện liên thông nhóm TTHC để tập trung đầu mối, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Trong năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt 58 phương án đơn giản hóa TTHC; phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết 948 TTHC và công khai 1.789 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ban, ngành.

UBND tỉnh đã ban hành Quy chế hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh, thực hiện hệ thống hóa các quy định trong công tác kiểm soát TTHC, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ kiểm soát TTHC, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTHC.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh cải cách TTHC, trong đó có Công văn số 2009/UBND-KSTT ngày 12/4/2021 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường trách nhiệm, đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC không quá 05 ngày làm việc. Trong quý I/2021, UBND tỉnh ban hành 17 quyết định công bố danh mục TTHC với 252 TTHC; 21 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết 30 TTHC liên thông và 69 TTHC không liên thông thuộc phạm vi chức năng quản lý của cơ quan, đơn vị.

Về nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tính đến hết quý I/2021, tỉnh đã cung cấp 187 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 176 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thiết yếu, đạt tỷ lệ 18,3% (dự kiến cung cấp trên 50% trong năm 2021). Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh đã đăng ký cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 950 TTHC, đạt tỷ lệ 61%.. Danh mục TTHC của tỉnh được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đáp ứng nhu cầu tra cứu, sử dụng của tổ chức, cá nhân.

c. Cải cách tổ chức bộ máy

Tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Riêng trong quý I/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ, và Sở Thông tin và Truyền thông.

Cùng với việc chỉ đạo sắp xếp tổ chức, bộ máy, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phù hợp với điều kiện và khả năng thực hiện, tạo sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

d. Nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC

Công tác quản lý đội ngũ CBCCVC của tỉnh đã được triển khai, thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ được thực hiện đầy đủ và đúng trình tự, thủ tục, chú trọng bảo đảm tiêu chuẩn các bộ, công chức, viên chức theo quy định. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với CBCCVC, như: nâng ngạch, chuyển loại, nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn, công nhận hết tập sự và bổ nhiệm vào ngạch, giải quyết chế độ, chính sách thu hút nhân tài, tinh giản biên chế... cơ bản kịp thời, chính xác. Việc xem xét, xử lý kỷ luật CBCCVC được thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quan tâm, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh; đặc biệt chú ý theo dõi, đánh giá chất lượng sau đào tạo.

đ. Cải cách tài chính công

Bình Định đã thực hiện cơ chế tự chủ theo các nghị định của Chính phủ. 403/403 cơ quan hành chính các cấp đã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ. 100% đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao tự chủ về tài chính theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Theo đó, tỷ lệ các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính và tự chủ chi thường xuyên ngày càng tăng. Việc thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp các cơ quan, đơn vị chủ động trong sử dụng ngân sách để thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả và có điều kiện để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Cơ chế tự chủ cũng giúp các đơn vị sự nghiệp công lập đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội theo hướng cạnh tranh, bình đẳng, không phân biệt công lập hay tư thục.

e. Hiện đại hóa hành chính

Theo Quyết định số 5436/QĐ-UBND ngày 31/12/2020, UBND tỉnh Bình Định đã công bố Kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2020. Theo đó, đối với khối các sở, ngành có 17 cơ quan xếp hạng tốt, 4 cơ quan xếp hạng khá; đối với khối UBND cấp huyện có 07 địa phương xếp hạng tốt, 4 địa phương xếp hạng khá.

Triển khai thực hiện Công văn số 5934/UBND-HCTC ngày 03/10/2019 của UBND tỉnh về việc ký số và phát hành văn bản điện tử có ký số trên Hệ thống Văn phòng điện tử liên thông, kể từ ngày 10/3/2021, Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Định bắt đầu sử dụng Văn phòng điện tử VNPT-Ioffice và thực hiện việc nhận và gửi văn bản bằng hình thức điện tử có ký số giữa Kho bạc nhà nước Bình Định và UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5360/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định (phiên bản 2.0), Quyết định số 429/QĐ-UBND ngày 03/02/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và các dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Bình Định năm 2021.

Việc cung cấp dịch vụ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính”, dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục “Cấp phép xây dựng” trên cổng dịch vụ công quốc gia ngày càng được triển khai hiệu quả theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Áp dụng hệ thống TCVN ISO 9001:2015 tạo ra quy trình, lề lối, tác phong làm việc hiệu quả, văn minh, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu như mong muốn. Một số nội dung CCHC còn chậm, còn thiếu những giải pháp tương xứng, đủ tầm và đồng bộ. Công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt. Việc bố trí kinh phí để thực hiện CCHC ở các cấp còn hạn chế, nhất là kinh phí cho công tác tuyên truyền CCHC và kinh phí đầu tư xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã... Chất lượng đội ngũ CBCCVC chưa đồng đều, còn yếu về năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết. Việc giải quyết TTHC trong một số lĩnh vực vẫn còn kéo dài quá thời gian quy định. Tỷ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phát sinh giao dịch còn thấp. Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả. Sự phối hợp giải quyết công việc tại một số cơ quan nhà nước có liên quan chưa thật sự đồng bộ, thiếu tính chủ động.

2. Một số giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính của tỉnh Bình Định

Một là, tiếp tục quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và cải cách thể chế. Tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách cho phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL theo thẩm quyền để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành. Bảo đảm công khai và tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận các VBQPPL.

Hai là, rà soát, nâng cao chất lượng công tác quản lý TTHC; tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm mạnh thời gian giải quyết TTHC, trọng tâm là tái cấu trúc quy trình giải quyết thông qua việc nghiên cứu, xây dựng các quy định thực hiện liên thông các TTHC có liên quan đến nhau. Đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, lấy đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã làm tiền đề, gắn với triển khai việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC.

Ba là, tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Nâng cao trách nhiệm của CBCCVC, nhất là người đứng đầu đơn vị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ thông qua giao việc có thời hạn và giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Khuyến khích, phát huy tính năng động, sáng tạo trong công tác tham mưu, đề xuất giải quyết công việc được giao, đây là cơ sở quan trọng để xem xét đánh giá, phân loại  CBCCVC và bình xét thi đua khen thưởng hằng năm đảm bảo thực chất, khách quan, dân chủ. Đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, tập trung nâng cao một số kỹ năng hành chính để góp phần xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm của sự phục vụ.

Bốn là, tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện cơ chế khoán biên chế và kinh phí tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Nhà nước nhằm rút kinh nghiệm để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Tăng cường đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa chăm lo phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, dạy nghề, thể dục, thể thao... Nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp./.

LÂM HẢI GIANG

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật