Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2021 tỉnh Bình Định
Ảnh minh họa
Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của tỉnh đề ra các chỉ tiêu, giải pháp gắn với 31 nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực của công tác cải cách hành chính, bao gồm: Chỉ đạo, điều hành, Cải cách thể chế, Cải cách thủ tục hành chính, Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Cải cách chế độ công vụ, Cải cách tài chính công, Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử. Một số chỉ tiêu đáng chú ý như sau:
- Thực hiện kiểm tra công tác cải cách hành chính ít nhất đối với 30% cơ quan hành chính cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành kiểm tra cải cách hành chính ít nhất đối với 30% đơn vị cấp xã; 100% vấn đề phát hiện qua kiểm tra cải cách hành chính phải được khắc phục.
- Cắt giảm thời gian giải quyết, kiến nghị đơn giản hóa quy trình thực hiện, thành phần hồ sơ của ít nhất 20% thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ giao dịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của sở, ban, ngành, ưu tiên cho các thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu đạt tỷ lệ 80% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương được đưa ra tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa các cấp theo Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thí điểm mô hình “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính) tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện theo Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu đạt tỷ lệ 60% thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ giao dịch được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Phấn đấu đạt tỷ lệ 10% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 4; tối thiểu 30% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
- 100% cơ quan, đơn vị được sắp xếp, bố trí và thực hiện đúng quy định của pháp luật về số lượng lãnh đạo quản lý của cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ 80% cán bộ, công chức chuyên trách cấp xã có trình độ đại học và được chuẩn hoá về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.
- Tỷ lệ hồ sơ công việc (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật) được xử lý trên môi trường mạng đạt từ 70% đối với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 60% đối với cơ quan chuyên môn cấp huyện và 40% đối với Ủy ban nhân dân cấp xã. Tối thiểu 50% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.
Để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó yêu cầu việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra cải cách hành chính, tăng cường công tác kiểm tra đột xuất; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính của đơn vị, địa phương; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và bình xét thi đua, khen thưởng./.
Lê Dũng Linh