|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2025 năm 2019

BAN CHỈ ĐẠO GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN

VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TỈNH

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”;

Căn cứ Quyết định số 439/QĐ-UBDT ngày 13/8/2015 của Ủy ban Dân tộc về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”;

Căn cứ Quyết định 3384/QĐ-UBND ngày 30/9/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020” trên địa bàn tỉnh;

Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Dân tộc tại Tờ trình số 175/TTr-BDT ngày 03/4/2019,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020” trên địa bàn tỉnh năm 2019.

Điều 2. Giao Ban Dân tộc tỉnh (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện có liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

KẾ HOẠCH

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân

cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” năm 2019 trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 - 2025 (sau đây gọi là Đề án); Quyết định số 3384/QĐ-UBND ngày 30/9/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Định;

Ban Chỉ đạo giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2019 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015; Quyết định số 3384/QĐ-UBND ngày 30/9/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Bình Định;

- Tăng cường các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật; tuyên truyền, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ và xây dựng mô hình điểm, duy trì hoạt động của các mô hình điểm…nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số;

- Phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2019

1. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

- Hướng dẫn, triển khai các hoạt động phù hợp với các yếu tố về văn hóa, giới, lứa tuổi và dân tộc để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và ngăn ngừa, hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống;

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: mở các chuyên trang, chuyên mục trên Báo Bình Định, Đài phát thanh Truyền hình tỉnh;

- Tuyên truyền, vận động thông qua hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; qua các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn, làng thuộc các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và Tây Sơn.

2.  Biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Tờ rơi, pa nô, áp phích, tranh cổ động, khẩu hiệu,… tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình.

3. Xây dựng, triển khai, nhân rộng mô hình điểm đối với địa bàn vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

- Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và địa phương triển khai và nhân rộng mô hình tại 15 xã khu vực III, xã có đông dân tộc thiểu số sinh sống, củả các huyện:

+ Huyện Vân Canh (04 xã): Xã Canh Liên, Canh Hòa, Canh Hiệp và Canh Thuận.

+ Huyện An Lão (04 xã): Xã An Toàn, An Nghĩa, An Quang và An Vinh;

+ Huyện Vĩnh Thạnh (03 xã): Xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thuận và Vĩnh Hiệp;

+ Huyện Hoài Ân (03 xã): Xã Ân Sơn, Bók Tới và Đák Mang;

+ Huyện Tây Sơn (01 xã): Xã Vĩnh An.

- Nghiên cứu, triển khai các hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp nhằm thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số;

+ Tổ chức tập huấn phổ biến thông tin, tuyên truyền tại các làng ở 15 xã; lồng ghép chiếu phim phóng sự về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống …;

+ Ký cam kết thi đua không vi phạm tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn xã thực hiện nhân rộng mô hình;

+ Đưa một số nội dung có liên quan đến việc phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bổ sung vào quy ước, hương ước của làng.

4. Đối với các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

3.1. Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trên các phương tiện thông tin đại chúng:

- Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh xây dựng tin bài, chuyên trang, chuyên mục về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống;

- Phối hợp với Báo Bình Định mở chuyên mục tuyên truyền thông qua tin, bài, ảnh và các hoạt động trực quan, sinh động liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

3.2. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan ở tỉnh và UBND các huyện tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nói chuyện chuyên đề liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao cho cán bộ và bà con dân tộc thiểu số trong làng.

Nội dung tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Pháp lệnh Dân số và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan; những nguyên nhân tác hại, ảnh hưởng của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với dân số, sức khỏe, tinh thần, kinh tế và xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3.3. Sở Tư pháp phối hợp Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện tổ chức hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh;

3.4. Tổ chức các diễn đàn tuyên truyền về các nội dung liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

 - Nội dung: Sân khấu hóa, gồm các phần chính: Văn nghệ, khái quát về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta hiện nay, các quy định của pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hậu quả, tác hại và những hệ lụy do tệ nạn này gây ra; trả lời nhanh các câu hỏi, tiểu phẩm tuyên truyền hoặc kịch hài.

- Thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện

4. Đối với Ban Chỉ đạo Mô hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tỉnh

4.1. Phối hợp tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn, triển khai thực hiện Đề án

Phối hợp Ban Chỉ đạo Mô hình 15 xã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kết hợp chiếu phim phóng sự về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các thôn, làng thuộc xã.

4.2. Tổ chức Hội nghị sơ kết

- Địa điểm: Dự kiến tổ chức tại thành phố Quy Nhơn.

- Thành phần: Đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh; các sở, ngành, đoàn thể liên quan; thành viên Ban Chỉ đạo Mô hình cấp tỉnh; UBND 6 huyện (Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát); đại diện các xã có đông đồng bào DTTS; Trưởng, phó Ban Chỉ đạo Mô hình cấp xã (số lượng đại biểu khoảng 70 – 80 người).

- Nội dung: Đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện mô hình; đồng thời, so sánh các mục tiêu trước và sau khi thực hiện mô hình; triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2020 và đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Dự kiến tháng 10 năm 2019.

4.3. Kiểm tra thực hiện Đề án tại các địa phương

Tổ chức Đoàn đi kiểm tra thực hiện Đề án tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 5 huyện (Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân).

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Sử dụng kinh phí được giao tại Quyết định 4319/QĐ-UBND ngày 07/12/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 cho Ban Dân tộc tỉnh; trong đó, kinh phí thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Định là 567.000.000 đồng.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc tỉnh, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, UBND các huyện liên quan, Ban Chỉ đạo cấp xã triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả; trên cơ sở kinh phí được phân bổ và các nội dung hoạt động của Kế hoạch, xây dựng dự toán chi tiết triển khai thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai và các hoạt động của Kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện của Ban Chỉ đạo, báo cáo Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh theo quy định; các thành viên Ban Chỉ đạo đi kiểm tra cơ sở ít nhất mỗi quý 01 lần. Phối hợp Sở Tư pháp soạn thảo tài liệu và hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương liên quan tuyên truyền.

2. Sở Tài chính (thành viên Ban Chỉ đạo): Thẩm tra dự toán kinh phí và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Dự toán kinh phí thực hiện theo Kế hoạch đã được phê duyệt; kiểm tra, giám sát công tác giải ngân, hướng dẫn sử dụng, quản lý, thanh quyết toán nguồn vốn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

 3. Sở Y tế (thành viên Ban Chỉ đạo):

- Thực hiện lồng ghép các hoạt động tư vấn, tăng cường các hoạt động can thiệp về y tế theo nội dung của Kế hoạch này nhằm giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện (phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) tăng cường tuyên truyền tác hại của tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện;

- Phối hợp Ban Dân tộc tỉnh xây dựng các nội dung hoạt động thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020” trên cơ sở kế thừa các hoạt động của “Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2010 – 2015, góp phần nâng cao chất lượng dân số giai đoạn 2016 – 2020” tránh chồng chéo và đảm bảo hiệu quả.

4. Sở Văn hóa và Thể thao: Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hướng dẫn cơ sở lồng ghép, tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua việc xây dựng hương ước, quy ước, tiêu chuẩn thôn, làng văn hóa, gia đình văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số để triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.

5. Sở Tư pháp (thành viên Ban Chỉ đạo): Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các Sở, ban, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý và xây dựng tài liệu tuyên truyền nhằm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

6. Sở Thông tin và Truyền thông (thành viên Ban Chỉ đạo): Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, chuyển đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (thành viên Ban Chỉ đạo)

Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh xây dựng các phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, giáo dục, chuyển đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo (thành viên Ban Chỉ đạo): Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường có học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng về lấy vợ, lấy chồng khi chưa đúng tuổi; giáo viên chủ nhiệm ở các trường dân tộc nội trú, bán trú thường xuyên kiểm tra giờ tự học; buộc các em học sinh ký cam kết với giáo viên chủ nhiệm không được uống rượu, bia; bỏ học giữa chừng về lấy vợ, lấy chồng.

9. Đề nghị các tổ chức Mặt trận, đoàn thể:

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh (thành viên Ban Chỉ đạo): Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, có kế hoạch lồng ghép các nội dung về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số vào các hoạt động của ngành để phối hợp thực hiện. Có văn bản chỉ đạo các cơ quan Mặt trận, đoàn thể ngành mình ở cơ sở tham gia tích cực các hoạt động nhằm góp phần làm giảm thiểu tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS.

10. Ủy ban nhân dân các huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân, An Lão, Phù Cát tiếp tục tham mưu Huyện ủy có văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tăng cường công tác ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đối với những địa phương chưa thực hiện. Có văn bản chỉ đạo UBND các xã trên địa bàn huyện nghiêm cấm việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; xử phạt theo pháp luật các trường hợp vi phạm; UBND các xã chỉ đạo các già làng, trưởng làng bổ sung, xây dựng hương ước, quy ước của làng về việc xử lý nội bộ làng với trường hợp tổ chức đám cưới người chưa đủ tuổi và cận huyết thống. Tiếp tục chỉ đạo các phòng chức năng chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương; đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; chỉ đạo việc tổ chức, trang bị tài liệu tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải cơ sở; đồng thời, có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát các xã, thôn, làng trong quá trình thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng (gửi trước ngày 15 tháng 6) và năm (gửi trước ngày 05 tháng 12) về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Dân tộc) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Dân tộc theo quy định.

11. Các Ban Chỉ đạo Mô hình thực hiện Đề án cấp xã (15 xã) căn cứ nội dung Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án năm 2019 của tỉnh tiến hành xây dựng Kế hoạch chi tiết, đề xuất hỗ trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động năm 2019.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bình Định; trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ảnh về Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời./.


Tin nổi bật Tin nổi bật