|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch triển khai thực hiện "Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh Bình Định"

KẾ HOẠCH

Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới

trên địa bàn tỉnh Bình Định

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

2. Xây dựng nhiệm vụ, giải pháp huy động các nguồn lực nhằm đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lóp học; đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên; chương trình, tài liệu giáo dục địa phương;

3. Triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới theo đúng lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình hình, điều kiện của tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông về CTGDPT mới

Tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT về đổi mới CTGDPT; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng về đổi mới CTGDPT; biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong thực hiện đổi mới CTGDPT.

2. Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện CT GDPT mới

a) Đảm bảo số lượng chỉ tiêu biên chế; sắp xếp, kiện toàn, bố trí đội ngũ nhà giáo

Hiện nay, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh Bình Định là 16.900, trong đó cán bộ quản lý là 1.330, giáo viên các cấp là 15.570, tỷ lệ đạt chuẩn là 100%, trên chuẩn 68.8%. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Bình Định hiện nay đảm bảo về chất lượng; đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay; có trình độ chuyên môn, năng lực, có kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm; tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cao; có ý thức tự giác nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Qua đó nhanh chóng tiếp cận được các nội dung, chương trình đổi mới, phát triển giáo dục và phát huy được sở trường trong công tác, sự sáng tạo trong hoạt động giảng dạy.

Tuy nhiên, so với nhu cầu hiện tại thì số lượng giáo viên vẫn còn thiếu (đặc biệt là thiếu giáo viên mầm non để thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày). Do đó, để triển khai tốt CTGDPT mới thì Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cần thực hiện:

- Kịp thời xây dựng, hoàn thiện bổ sung các vị trí việc làm, mô tả công việc, khung năng lực theo Đề án vị trí việc làm; xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế đi đôi với Đề án vị trí việc làm, Đề án tinh giản biên chế nhưng phải đảm bảo số lượng người làm việc, chỉ tiêu biên chế nhà giáo theo quy định về định mức biên chế, thời gian làm việc để đảm bảo số lượng đội ngũ nhà giáo trong việc triển khai thực hiện CTGDPT mới.

- Thực hiện công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ nhà giáo đúng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, hạng viên chức, chỉ tiêu biên chế được giao, công khai, minh bạch, góp phần thu hút được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị tốt về công tác, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

b) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo

Căn cứ chương trình, nội dung giảng dạy theo CTGDPT mới, Sở GD&ĐT tổ chức thực hiện việc rà soát, đánh giá tình hình thực trạng, xác định nhu cầu, chỉ tiêu số lượng cần bồi dưỡng để tổ chức bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cập nhật, bổ sung kiến thức, đáp ứng được nhiệm vụ giáo dục theo chương trình mới; xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học, cử tham gia bồi dưỡng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT và triển khai, hướng dẫn, tập huấn lại cho 100% giáo viên tại địa phương.

Nâng cao chất lượng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp nhà giáo; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; tăng cường công tác đào tạo chuẩn hóa, nâng chuẩn; đào tạo lại đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên; nâng cao tính tích cực, chú trọng việc tự bồi dưỡng của từng giáo viên; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho nhà giáo được thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí, công việc đảm nhiệm.

- Thời gian hoàn thành Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên:

+ Đối với giáo viên dạy lớp 1: hoàn thành trước tháng 8/2020;

+ Đối với giáo viên dạy lớp 2, lớp 6: hoàn thành trước tháng 8/2021;

+ Đối với giáo viên dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10: hoàn thành trước tháng 8/2022;

+ Đối với giáo viên dạy lớp 4, lớp 8, lớp 11: hoàn thành trước tháng 8/2023;

+ Đối với giáo viên dạy lớp 5, lớp 9, lớp 12: hoàn thành trước tháng 8/2024;

- Đối tượng bồi dưỡng: Giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

- Hình thức bồi dưỡng: Trực tiếp và qua mạng.

- Nội dung bồi dưỡng: Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

c) Đánh giá phân loại và đánh giá chuẩn nghề nghiệp 

Tổ chức đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức, chiều hướng, khả năng phát triển của cán bộ quản lý, nhà giáo theo các quy định của Bộ Nội vụ về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và đánh giá chuẩn nghề nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Qua đó, nắm bắt được thực trạng chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực để có cơ sở xây dựng kế hoạch sàng lọc, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ nhân lực.

3. Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường, lớp; đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện CTGDPT mới

- Tiếp tục thực hiện “Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học (mầm non và phổ thông) của ngành GD&ĐT tỉnh Bình Định đến năm 2020” theo Quyết định số 4006/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh Bình Định. Rà soát, đánh giá thực trạng quy mô, nhu cầu về cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học; xây dựng kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất để triển khai CTGDPT mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của địa phương;

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 04/6/2018 của Tỉnh ủy Bình Định về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương, Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ; Quyết định số 2413/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ và Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 04/6/2018 của Tỉnh ủy;

- Xây dựng kế hoạch tổng thể và từng năm thực hiện “Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025” ban hành kèm theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với lộ trình áp dụng CTGDPT mới và các tiêu chuẩn cơ bản về cơ sở vật chất trường, lớp học theo quy định mới của Bộ GD&ĐT. Ưu tiên đầu tư phòng học, đối với cấp tiểu học, đảm bảo 01 phòng/lớp để triển khai dạy học 2 buổi/ngày, phòng học bộ môn đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, xóa bỏ phòng học tạm, phòng học bị xuống cấp; tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

- Chỉ đạo các trường phổ thông sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện CTGDPT mới đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Ưu tiên đầu tư thiết bị phòng tin học, thiết bị dạy học ngoại ngữ cho các trường phổ thông.

- Rà soát đầu tư và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ triển khai hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng của Bộ GD&ĐT.

- Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tối thiểu để đảm bảo thực hiện CTGDPT mới theo lộ trình cụ thể:

+ Từ nay đến trước tháng 9/2020: Hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD&ĐT ban hành;

+ Từ tháng 9/2020 đến trước tháng 9/2021: Hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD&ĐT ban hành;

+ Từ tháng 9/2021 đến trước tháng 9/2022: Hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD&ĐT ban hành;

+ Từ tháng 9/2022 đến trước tháng 9/2023: Hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tối thiểu lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD&ĐT ban hành;

+ Từ tháng 9/2023 đến trước tháng 9/2024: Hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tối thiểu lớp 5, lớp 9 và lớp 12 theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD&ĐT ban hành;

          4. Xây dựng chương trình, nội dung giáo dục địa phương

Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan xây dựng chương trình, nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học, THCS và THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, cần thiết, thời sự, gần gũi về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp ... của tỉnh Bình Định. Nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học được tích hợp vào Hoạt động trải nghiệm.

Trên cơ sở chương trình giáo dục địa phương, phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng bộ tài liệu giáo dục địa phương để thống nhất sử dụng trong các trường phổ thông trên toàn tỉnh, đảm bảo theo lộ trình thực hiện CTGDPT mới (có kế hoạch riêng).

          5. Bố trí kinh phí thực hiện CT GDPT mới

          - Đảm bảo ngân sách, kinh phí hàng năm để thực hiện CTGDPT mới theo lộ trình cụ thể:

5.1. Tổng kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch:

STT

Nội dung

Tổng số kinh phí thực hiện (Tr. Đồng)

Trong đó

 

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

 
 

1

Kinh phí đầu tư xây dựng phòng học, phòng bộ môn; Trong đó:

2.744.900

549.500

549.500

549.500

549.500

546.900

 

 

Tiểu học

1.524.300

304.500

304.500

304.500

304.500

306.300

 

 

THCS

918.100

185.000

185.000

185.000

185.000

178.100

 

 

THPT

302.500

60.000

60.000

60.000

60.000

62.500

 

2

Kinh phí mua sắm thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT mới; Trong đó:

1.012.250

75.350

168.050

255.500

254.850

258.500

 

 

Tiểu học

315.550

63.350

63.050

62.500

61.850

64.800

 

 

THCS

432.100

12.000

105.000

105.000

105.000

105.100

 

 

THPT

264.600

-

-

88.000

88.000

88.600

 

3

Kinh phí bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên theo Chương trình GDPT mới (cấp tỉnh); Trong đó:

39.206

10.735

9.675

11.734

3.531

3.531

 

 

Kinh phí bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán tại địa phương

12.458

535

1.401

3.460

3.531

3.531

 

 

Kinh phí bồi dưỡng giáo viên theo môn học (Lịch sử và Địa lý; công nghệ; khoa học tự nhiên)

26.748

10.200

8.274

8.274

-

-

 

TỔNG CỘNG

3.796.356

635.585

727.225

816.734

807.881

808.931

 

          5.2. Nguồn kinh phí thực hiện:

          a) Nguồn ngân sách nhà nước (Sự nghiệp GD và ĐT):  39, 206 tỷ đồng (Ba mươi chín tỷ, hai trăm lẻ sáu triệu đồng) để thực hiện công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán tại địa phương; Trong đó:

          - Kinh phí bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán tại địa phương: 12,458 tỷ đồng (Mười hai tỷ, bốn trăm năm mươi tám triệu đồng).

          - Kinh phí bồi dưỡng giáo viên theo môn học (Lịch sử và Địa lý; công nghệ; khoa học tự nhiên): 26,748 tỷ đồng (Hai mươi sáu tỷ, bảy trăm bốn mươi tám triệu đồng).

          (Chi tiết theo từng năm theo mục 5.1 nêu trên)

          b) Sử dụng nguồn kinh phí của các Đề án, Kế hoạch khác của ngành Giáo dục và Đào tạo để thực hiện xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học. 

- Tổng kinh phí sử dụng các Đề án, Kế hoạch khác là: 3.757,150 tỷ đồng (Ba ngàn, bảy trăm năm mươi bảy tỷ, một trăm năm mươi triệu đồng); Trong đó:

          + Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất (phòng học) cấp Tiểu học là 52,500 tỷ đồng (Năm mươi hai tỷ, năm trăm triệu đồng) được sử dụng nguồn kinh phí từ Đề án tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cấp Tiểu học giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

          + Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học (Phòng phục vụ học tập đối với cấp Tiểu học; phòng học và phòng học bộ môn đối với cấp THCS, THPT và mua sắm thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT mới cho Tiểu học, THCS và THPT) là 3.704,650 tỷ đồng (Ba ngàn, bảy trăm lẻ bốn tỷ, sáu trăm năm mươi triệu đồng); Trong đó: Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất là 2.692,400 tỷ đồng; kinh phí mua sắm thiết bị dạy học là 1.012,250 tỷ đồng; được sử dụng từ nguồn kinh phí của Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025” ban hành theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

(Đính kèm các phụ lục về kinh phí bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên; kinh phí về tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình Giáo dục dục phổ thông mới)

          6. Công tác kiểm tra, giám sát

Ban Chỉ đạo đổi mới CTGDPT của tỉnh tiến hành công tác kiểm tra, giám sát vào năm đầu tiên khi Chương trình các khối lớp được triển khai. Các năm học tiếp theo, Ban chỉ đạo các cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình; tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện đổi mới Chương trình theo từng quý, từng năm; thường xuyên và định kỳ từng năm học, báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện; kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

7. Sơ kết, rút kinh nghiệm

Hàng năm Ban chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch, rút kinh nghiệm để làm cơ sở cho công tác triển khai thực hiện cho các năm tiếp theo.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. Sở Giáo dục và Đào tạo

          - Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo về các nội dung liên quan đến quá trình triển khai Kế hoạch; thực hiện báo cáo UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.

          - Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tổng rà soát, xây dựng và triển khai kế hoạch chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện CTGDPT mới theo lộ trình thực hiện của Bộ GD&ĐT.

Hoàn thành trước ngày 30/9/2019 các nội dung:

+ Tổng rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và xây dựng kế hoạch chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên.

          + Tổng rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn tỉnh; hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; phối hợp với Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện CT GDPT mới của Bộ GD&ĐT.

-     Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan xây dựng chương trình, nội dung giáo dục địa phương của tỉnh. Việc xây dựng Kế hoạch xây dựng chương trình, nội dung giáo dục địa phương hoàn thành trước ngày 30/9/2019.

-     Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về việc triển khai, áp dụng CTGDPT mới trên địa bàn.

          - Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng dự toán thực hiện Kế hoạch, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Giúp Ban Chỉ đạo đổi mới CTGDPT của tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện CTGDPT; tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện đổi mới CTGDPT theo từng quý, từng năm để điều chỉnh, bổ sung kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Báo cáo kết quả thực hiện Kế  haojch cho UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT theo quy định.

          2. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng và triển khai kế hoạch chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện CTGDPT mới theo lộ trình, đảm bảo đủ số lượng cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên theo quy định.

          3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở GD&ĐT tổng hợp, cân đối và bố trí nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và các chương trình, dự án khác để triển khai thực hiện Kế hoạch.

          4. Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

          5. Sở Thông tin và Truyền thông

          Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao các huyện, thị xã, thành phố tăng cường truyền thông về việc triển khai, áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh.

          6. Báo Bình Định, Đài Phát thanh và truyền hình Bình Định

Phối hợp với Sở GD&ĐT tăng cường công tác truyền thông, tạo đồng thuận xã hội về việc triển khai, áp dụng CTGDPT mới trên địa bàn tỉnh; biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong việc triển khai thực hiện CT GDPT mới.

          7. Các sở, ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể có liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định, phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

          8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Căn cứ nội dung Kế hoạch này để xây dựng kế hoạch thực hiện CT GDPT mới của địa phương. Kế hoạch của UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi về Ban Chỉ đạo đổi mới CT GDPT của tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo) trước ngày 30/11/2019.

Yêu cầu các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh có liên quan triển khai thực hiện./.

Tập tin đính kèm:

Tin nổi bật Tin nổi bật