Thực hiện Đề án "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật" năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bình Định
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 3969/QĐ-UBND ngày 26/10/2017 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 - 2016” đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
- Tăng cường thực hiện và hỗ trợ thực hiện công tác PBGDPL tại địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; đa dạng hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai các hoạt động của Kế hoạch phải đảm bảo tính khả thi, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lắp.
- Lựa chọn nội dung pháp luật tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng đối tượng, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Xây dựng, ban hành Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp triển khai thực hiện Đề án năm 2019
- Cơ quan tham mưu thực hiện: Sở Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Cả năm.
2. Lựa chọn địa bàn trọng điểm thực hiện PBGDPL
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp; Phòng Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Địa phương được chọn, cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Cả năm.
3. Xây dựng tài liệu PBGDPL
- Phát hành tài liệu PBGDPL như: Tờ gấp pháp luật, Hỏi - đáp pháp luật về các lĩnh vực: An ninh mạng; ma túy; HIV/AIDS; hôn nhân và gia đình; an toàn giao thông; pháp luật về biển, đất đai, môi trường, khiếu nại, tố cáo... phục vụ công tác PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở và Nhân dân tại địa phương được chọn làm điểm nói riêng và Nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Cả năm.
4. Chỉ đạo PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; hệ thống phát thanh, truyền hình của địa phương, loa truyền thanh ở cơ sở
- Cơ quan thực hiện: Sở Thông tin và truyền thông.
- Đơn vị phối hợp: Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Cả năm.
5. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, tuyên truyền viên pháp luật, người làm công tác PBGDPL, hòa giải viên ở cơ sở tại địa bàn trọng điểm
- Tổ chức hoặc kết hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL, hòa giải ở cơ sở cho cán bộ chính quyền, đoàn thể và đội ngũ những người làm công tác PBGDPL, hòa giải viên ở cơ sở. Đồng thời, cung cấp các tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ PBGDPL cho đối tượng này.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp; Phòng Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Cả năm.
6. Phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động PBGDPL thuộc phạm vi của Đề án theo yêu cầu của Bộ Tư pháp
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Theo tiến độ yêu cầu của Bộ Tư pháp.
7. Tổ chức kiểm tra, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch
- Kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này được lồng ghép trong kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019 của Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện nhằm nắm bắt, đánh giá kịp thời việc tổ chức triển khai, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Kế hoạch này.
- Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch này được tổng hợp chung trong báo cáo kết quả PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019 (trước ngày 15/11/2019) của cơ quan, đơn vị, địa phương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở Kế hoạch này, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xác định một số địa bàn cấp xã để thực hiện PBGDPL; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này cho UBND tỉnh và Bộ Tư pháp.
2. Các sở, ban, ngành của tỉnh, cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và hội, đoàn thể tỉnh: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách, xây dựng kế hoạch, phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện về nhân lực, tham gia vận động và thực hiện công tác PBGDPL cho cán bộ, công chức, hội viên, Nhân dân tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật.
3. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Trên cơ sở nội dung của Kế hoạch này và tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện tại địa phương; lựa chọn địa bàn thực hiện chỉ đạo điểm; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí triển khai các hoạt động của Kế hoạch này thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước; Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các sở, ngành, địa phương kịp thời phản ánh bằng văn bản về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.