|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số nội dung mới của Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14

Luật Quản lý thuế (QLT) số 38/2019/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13 tháng 6 năm 2019, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2020.

Luật Quản lý thuế (QLT) số 38/2019/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13 tháng 6 năm 2019, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2020. Cục Thuế giới thiệu một số nội dung mới của Luật như sau:

1. Mở rộng quyền của người nộp thuế (NNT)

Theo Điều 16 của Luật QLT năm 2019 bên cạnh các quyền như Luật cũ, nhiều quyền mới được bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi của NNT như:

- Không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do NNT thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của NNT.

- Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

- Được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến cổng thông tin điện tử của cơ quan QLT

- Được sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch với cơ quan QLT và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.

2. Sửa đổi thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

Để thuận tiện cho NNT và cơ quan thuế trong việc xác định ngày nộp hồ sơ khai thuế. Luật QLT năm 2019 quy định:

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quý: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.

- Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế năm: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch.

- Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

3. Bổ sung thêm giới hạn việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế

Nhằm nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế trong việc rà soát hồ sơ khai thuế, khi xác định nghĩa vụ thuế và cũng phù hợp với thời hạn truy thu thuế trong Luật Quản lý thuế. Luật QLT 2019 vẫn giữ ràng buộc “trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, nếu NNT phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp có sai sót, nhầm lẫn thì được quyền khai bổ sung, điều chỉnh”. Tuy nhiên, bổ sung thêm giới hạn việc khai bổ sung, điều chỉnh chỉ được thực hiện trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót.

4. Bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho đại lý thuế

Luật QLT năm 2019 bổ sung thêm chức năng đối với đại lý thuế là được cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ khi các đại lý thuế này có ít nhất một người có chứng chỉ kế toán viên. Đây là quy định cho phép các đại lý thuế thêm chức năng cung cấp dịch vụ kế toán ngoài việc cung cấp dịch vụ đại lý thuế đang thực hiện.

Chức năng này phù hợp với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,  giúp những doanh nghiệp siêu nhỏ tiết kiệm chi phí khi thay vì phải thuê hai đơn vị thực hiện 02 dịch vụ (tư vấn thuế và kế toán) nay  chỉ cần một đơn vị thực hiện hai nhiệm vụ trên.

5. Lần đầu tiên quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

Hiện nay, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển ngày càng rộng rãi thì việc xây dựng, ban hành các quy định về quản lý thuế trong lĩnh vực này là cần thiết.

Khoản 4 Điều 42 Luật QLT năm 2019 về kê khai thuế quy định: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đây chỉ là một trong những nội dung mang tính chất định hướng nhưng đóng vai trò quan trọng trong công tác QLT đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Trong thời gian tới, khi ban hành các văn bản hướng dẫn sẽ quy định cụ thể về nội dung quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử

6. Siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá

Để quản lý chặt chẽ hành vi trốn thuế, Khoản 5, Điều 42 Luật QLT năm 2019 quy định nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết như sau:

- Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập;

- Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế;

- Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định kê khai, xác định giá tính thuế theo nội dung trên và được áp dụng cơn chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết./.

Phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ NNT (Cục Thuế tỉnh Bình Định)


Tin nổi bật Tin nổi bật