Để xe múc vào thi công trong vùng 1 tháp Bánh Ít nghìn tuổi: Trách nhiệm của chủ đầu tư
Toàn cảnh di tích tháp Bánh Ít - Ảnh: TT
Các công nhân đang làm việc ở đây chỉ cho phóng viên khu vực máy múc hoạt động. Đó là bờ taluy thuộc khu vực phía trong tháp Cổng (thuộc quần thể tháp Bánh Ít).
Công nhân cho biết trước khu vực này vốn là bụi rậm, cây cối mọc um tùm và có nhiều hố. Hiện tại, nơi đây đã được đổ đất, lu lèn và trồng cỏ lên phía trên.
Khu vực bờ taluy gần tháp Cổng - nơi máy múc san gạt, đổ đất và nén để trồng cỏ - Ảnh: LÂM THIÊN
Theo một cán bộ Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định, việc đào đất để xây dựng các công trình, rào chắn... xung quanh các chân tháp tại di tích này từ trước tới nay đều được các công nhân thực hiện bằng tay chân, không sử dụng máy móc, phương tiện cơ giới.
"Chỉ có một hôm, đơn vị thi công tự ý cho máy múc vào để thi công việc đổ đất và lu lèn tại khu vực gần tháp Cổng. Nơi máy múc thực hiện công việc và đậu đỗ thuộc khu vực 1 của di tích. Ngay sau khi phát hiện, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị cho máy múc dừng lại", vị này cho biết.
Công nhân dùng cuốc, xẻng đào đất để tu bổ khu vực xung quanh đế tháp Cổng - Ảnh: LÂM THIÊN
Ông Đinh Bá Hòa, nguyên giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho biết việc huy động máy móc, phương tiện cơ giới thi công, san gạt ở khu vực tháp Bánh Ít hoàn toàn sai.
Theo ông, Luật di sản quy định rõ trong di tích những vùng nào cần bảo vệ nghiêm ngặt, bất khả xâm phạm, những vùng nào có thể điều chỉnh.
Trước đây, đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di tích đã quy định tháp Bánh Ít là cụm tháp chỉ có 1 vòng bảo vệ nghiêm ngặt, không có phạm vi điều chỉnh.
Vì vậy, để doanh nghiệp, đơn vị thi công huy động máy móc xâm hại khu vực bảo vệ tháp như vậy là cần truy cứu trách nhiệm chủ đầu tư, là Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định.
Nhà thầu chỉ làm theo hợp đồng, ai bảo sao họ làm thế. Còn chủ đầu tư là đơn vị quản lý toàn bộ dự án. Tại sao đối với công trình di tích tháp Chăm gần 1.000 năm tuổi, công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia mà trong thi công lại không hề có sự tham gia, giám sát của các chuyên gia di sản, chuyên gia khảo cổ học? Để doanh nghiệp, công nhân đưa máy móc, cơ giới san bạt, đào xúc như thế rất vô lý.
Ông Đinh Bá Hòa, nguyên giám đốc Bảo tàng Bình Định
Trước đó, ngày 8-3, ông Lâm Hải Giang, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đã yêu cầu dừng việc thi công, tu bổ di tích tháp Bánh Ít sau khi có thông tin đơn vị thi công cho phương tiện cơ giới vào san gạt bên trong di tích này.
Ngay sau đó, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định đã đến hiện trường và lập biên bản vụ việc.
Được biết, ngày 1-9-2021, UBND tỉnh Bình Định có quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư công trình: Xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít. Công trình do Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỉ đồng.
Dự án thực hiện đầu tư hoàn thiện đường nội bộ bằng bê tông, lát đá có chít mạch hồ kéo dài liên tục qua đoạn cổng chính, dự kiến hoàn thành trong tháng 6-2022.
Tháp Bánh Ít (hay còn gọi là tháp Bạc) nằm trên địa phận xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), là quần thể tháp lớn với bốn công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định.
Tháp Bánh Ít là quần thể đền tháp có số lượng nhiều nhất hiện còn ở Bình Định gồm 4 tháp: tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Bia và tháp Chính. Cụm tháp được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1982.
TTO - Chiều 8-3, ông Trần Viết Bảo, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, cho biết theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Thanh tra Sở Xây dựng vừa kiểm tra công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít tại xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước).