Dự án tu bổ tháp Bánh Ít ở Bình Định: Biết thi công sai vẫn cho làm?
Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VH-TT tỉnh Bình Định kiểm tra việc thi công không đảm bảo nội dung đã được chấp thuận tại tháp Bánh Ít, khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích.
Ngày 9.3, Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ VH-TT-DL) cho biết đã có văn bản đề nghị Sở VH-TT tỉnh Bình Định kiểm tra việc sử dụng xe cơ giới san gạt mặt bằng, thi công không đảm bảo nội dung đã được chấp thuận tại công trình xây dựng, tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, Bình Định).
Qua đó, chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích. Căn cứ các nội dung đã được thẩm định, thỏa thuận để rà soát các biện pháp thi công, đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường sinh thái của di tích, đồng thời gửi báo cáo về Bộ VH-TT-DL (qua Cục Di sản văn hóa) trước ngày 11.3.
Khu vực xung quanh các tháp của quần thể tháp Bánh Ít đang được thi công, san gạt nhiều chỗ bảo thoa |
Phát hiện thi công sai nhưng vẫn làm lơ?
Sau khi báo Thanh Niên đăng bài Thi công tu bổ tháp Bánh Ít ở Bình Định làm ảnh hưởng đến di tích? nhiều bạn đọc đã liên hệ gửi hình ảnh và phản ánh thông tin liên quan đến việc triển khai thi công công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít.
Phương tiện cơ giới thi công trước sân tháp chính trước tết Nhâm Dần bạn đọc cung cấp |
Xe cơ giới đào bới rất gần các tháp cổ bạn đọc cung cấp |
Theo các ý kiến phán ảnh, khu vực trước sân tháp chính của cụm tháp Bánh Ít đã bị đơn vị thi công đưa phương tiện cơ giới đến đào bới, san ủi từ trước tết Nhâm Dần. Trong quá trình tháo dỡ tấm bê tông trước tháp chính của quần thể tháp Bánh Ít đã phát lộ ra một mảnh vỡ của tượng (nghi là tượng Chăm cổ), nền gạch, mảnh vỡ của gốm, đá sa thạch cổ… Vụ việc được báo cáo đến Sở VH-TT tỉnh Bình Định nên mảnh vỡ của tượng hiện đang được Bảo tàng tỉnh Bình Định lưu giữ để thẩm định.
Tháo dỡ tấm bê tông trước tháp chính lộ ra nền gạch bạn đọc cung cấp |
Một mảnh vỡ của tượng nằm dưới bê tông bạn đọc cung cấp |
Sau đó, đơn vị thi công vận chuyển mảnh vỡ gạch, ngói cổ đi nơi khác để san lấp các khu vực xung quanh các tháp, còn đá sa thạch, gạch thì được tận dụng để xây nền móng. Khu vực bị đào bới được lấp lại để tiếp tục thi công dự án. Đến ngày 4.3, Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra, yêu cầu dừng việc dùng phương tiện cơ giới san gạt xung quanh tháp chính.
Có ý kiến cho rằng việc đưa xe cơ giới vào đào bới gần với các tháp (không đúng với biện pháp thi công đã được thẩm định) suốt thời gian dài, lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh Bình Định đã biết nhưng không yêu cầu dừng lại.
Xung quanh tháp chính đã được xây móng bảo thoa |
TS Đinh Bá Hòa, nguyên giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho rằng khu vực quần thể tháp Bánh Ít còn rất nhiều công trình khác đã bị đổ xuống, chưa phát lộ và chưa được khai quật.
“Khi đào xuống nếu phát hiện ra hiện vật và vật kiến trúc thì phải dừng lại, mời các chuyên gia đến xem đó là cái gì đã rồi báo cáo với UBND tỉnh Bình Định và Bộ VH-TT-DL. Nếu khai quật chữa cháy thì UBND tỉnh ra quyết định ngay, còn nếu bài bản thì phải xin Bộ VH-TT-DL để xem xét, quyết định. Trong vụ việc này, Bảo tàng tỉnh Bình Định phải có ý kiến nhưng lại không lên tiếng gì cả”, TS Đinh Bá Hòa nói.
Dừng đón khách rồi mới xin chủ trương
Trong các ngày 8 và 9.3, cổng vào di tích tháp Bánh Ít đóng kín, trước cổng treo bảng tạm dừng đón, phục vụ khách tham quan kể từ ngày 5.3 đến ngày 5.4. Du khách và các phóng viên đến chỉ có một người xưng là bảo vệ công trình tu bổ tháp Bánh Ít đến thông báo là “làm theo lệnh”, không cho bất kỳ ai vào bên trong.
Trước cổng tháp Bánh Ít treo bảng thông báo tạm dừng đón, phục vụ khách hoàng trọng |
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 4.3, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định phối hợp với UBND xã Phước Hiệp, Sở VH-TT tỉnh Bình Định (chủ đầu tư dự án) và các bên liên quan kiểm tra công trình xây dựng, tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Bánh ít (xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, Bình Định).
Đến ngày 5.3, trước cổng di tích tháp Bánh Ít treo bảng thông báo dừng đón, phục vụ khách tham quan.
Khu vực trước tháp chính và tháp cổng của quần thể tháp Bánh Ít ngày 9.3 bảo thoa |
Ngày 7.3, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh mới có văn bản báo cáo UBND tỉnh Bình Định về việc khởi công xây dựng công trình và xin chủ trương tạm dừng đón khách tham quan tại di tích tháp Bánh Ít.
Theo văn bản này, thời gian khởi công công trình là ngày 28.12.2021 và dự kiến hoàn thành trong tháng 6.2022. Tuy nhiên, trong thời gian thi công, lượng khách các nơi tập trung về di tích để tham quan khá đông. Để việc thi công, sửa chữa, chỉnh trang cơ sở hạ tầng cảnh quan tại di tích tháp Bánh Ít được đảm bảo tính liên tục đồng bộ, kịp tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật khu di tích và hạn chế sự rủi ro về an toàn lao động, Sở VH-TT trình UBND tỉnh cho phép tạm dừng phục vụ, đón khách đến tham quan, nghiên cứu tại di tích tháp Bánh Ít. Sở VH-TT sẽ chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định tiếp tục mở cửa đón khách tham quan một số hạng mục hoàn thành sau thời gian ngày 5.4.
Xung quanh tháp chính bị đào bới để xây móng hoàng trọng |
Như vậy, Sở VH-TT tỉnh Bình Định đã dừng việc đón khách tham quan tháp Bánh Ít trước khi xin chủ trương và sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Định. Liệu việc đóng cửa tháp Bánh Ít là để đối phó với việc quay phim, ghi hình các vi phạm của quá trình thi công hay tạo điều kiện để đơn vị thi công xóa dấu vết và khẩn trương hoàn thành dự án?
Sáng 9.3, Sở VH-TT tỉnh Bình Định và Bảo tàng tỉnh Bình Định đã cử đoàn công tác đến hiện trường thi công công trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít để kiểm tra một số nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Bình và thông tin báo chí phản ánh.
PV Thanh Niên liên lạc với ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định, để tìm hiểu thêm về vụ việc nhưng ông Chánh không nghe điện thoại. Văn phòng Sở VH-TT tỉnh Bình Định cho biết ông Chánh đang đi công tác ngoài tỉnh chưa về. Văn phòng Sở VH-TT tỉnh Bình Định ghi nhận câu hỏi, ý kiến của các cơ quan báo chí về thực trạng xây dựng, thi công tại tháp Bánh Ít và sẽ phản hồi khi lãnh đạo sở có chỉ đạo cụ thể.