|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh với Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS cấp huyện triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 14/9/2021, tại trụ sở UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh và các Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS cấp huyện triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Sau khi nghe báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận tại Thông báo số 195/TB-UBND ngày 17/9/2021.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bình Định từ nay đến cuối năm tình hình diễn biến thời tiết diễn ra trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, tình hình mưa, bão, lũ . . . sẽ xảy ra nhiều hơn, mạnh hơn so với năm 2020. Mặt khác, mùa mưa bão năm nay diễn ra trong điều kiện cả tỉnh đang tập trung ứng phó với dịch Covid-19. Để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai đồng thời với phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan bổ sung phương án ứng phó sự cố tràn dầu trên biển vào phương án phòng chống thiên tai của tỉnh theo quy định; làm việc với Cục Viễn thám, Bộ Tài nguyên và Môi trường để thu thập khai thác dữ liệu về các hình ảnh vệ tinh chụp các khu vực bị ảnh hưởng trong các đợt lũ, lụt hàng năm trên địa bàn tỉnh, để làm cơ sở lập kế hoạch chi tiết ứng phó thiên tai đạt hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, . . do thiên tai gây ra.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Hiện nay, có 6/11 địa phương đã hoàn thành phê duyệt phương án phòng chống thiên tai, yêu cầu 5 địa phương còn lại khẩn trương xây dựng và phê duyệt phương án phòng chống thiên tai theo quy định, hoàn thành trước ngày 20/9/2021. Đồng thời, các địa phương rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS cấp huyện, xã; phân công các thành viên ban chấp hành cấp huyện phụ trách địa bàn thực hiện công tác phòng chống thiên tai.

- Khẩn trương kiểm tra, rà soát, thống kê toàn bộ dân số thực tế sinh sống trên địa bàn (vừa phục vụ phòng chống dịch Covid-19 vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai), nhất là thống kê đầy đủ số lượng người dân trong các vùng ảnh hưởng theo từng cấp độ thiên tai để có kế hoạch ứng phó phù hợp;

- Thường xuyên khảo sát, đánh giá kỹ phương án phòng chống thiên tai, kịp thời cập nhật, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến của thiên tai tại địa phương;

- Tuyên truyền vận động người dân trong các khu vực thường bị ảnh hưởng của thiên tai phải có kế hoạch tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu để ứng phó với tình hình mưa lũ;

- Các địa phương phải tận dụng, sử dụng hiệu quả các phương tiện, thiết bị hiện có, nhất là kết hợp sử dụng các máy móc, thiết bị phục vụ thi công các công trình xây dựng trên địa bàn, để phục vụ công tác phòng chống thiên tai; có phương án chuẩn bị các khu cách ly để phục vụ bố trí sơ tán người dân trong điều kiện mưa bão và phòng chống dịch Covid-19;

- Đối với các tàu, thuyền vào tránh trú bão các địa phương có liên quan phải tiếp nhận, không được né tránh đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, khi tiếp nhận tàu thuyền phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19, thực hiện test nhanh để tầm soát, phân loại và cách ly theo quy định. 3. Trong công tác phòng, chống thiên tai các địa phương, đơn vị phải tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ chủ yếu, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả sau bảo, lũ, cụ thể như sau:

a. Công tác phòng ngừa

- Các địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện việc khảo sát, cập nhật các khu vực bị ngập do triều cường tại các xã ven biển, đánh giá thực tế nguy cơ để xây dựng phương án cụ thể ứng phó thiên tai đạt hiệu quả; kiểm tra, rà soát cụ thể phương án thực hiện 4 tại chỗ trong công tác phòng chống thiên tai.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có liên quan kiểm tra, khảo sát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án ứng phó phù hợp, kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn trước khi xảy ra sự cố thiên tai; cảnh báo các vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá để người dân biết phòng tránh.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Phối hợp với các địa phương kiểm tra, khảo sát các hồ chứa để đảm bảo an toàn trong mùa bão; kịp thời gia cố, sửa chữa khắc phục hư hỏng các hồ chứa theo phân cấp quản lý hồ; đồng thời, phối hợp làm việc với các địa phương về công tác đảm bảo an toàn, vận hành các hồ chứa do địa phương quản lý trong mùa mưa bão;

+ Chủ trì, phối hợp với các địa phương lập phương án đảm bảo an toàn các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão, các vùng nuôi trồng thủy sản; có phương án neo đậu phù hợp tránh va đập gây hư hỏng tàu thuyền và kết cấu hạ tầng bến, cảng, . . . ; thông báo kêu gọi tàu thuyền đến nơi neo đậu an toàn;

+ Chủ trì, phối hợp làm việc với UBND thành phố Quy Nhơn về việc di dời các hộ nuôi trồng thủy sản trong khu vực Hải Minh; về lâu dài phải lập quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản phù hợp để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn phòng chống thiên tai.

- Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở các chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống thiện tai, nhất là phải đảm bảo an toàn đối với công trình, thiết bị, con người, . . . trong mùa mưa bão; hướng dẫn người dân chằng, chống nhà cửa đảm bảo an toàn trong mưa bão.

- Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc khai thác các mỏ vật liệu trong vùng có nguy cơ sạt lở, yêu cầu các chủ mỏ phải có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão; nếu cần thiết thì yêu cầu tạm thời dừng khai thác các mỏ không đảm bảo an toàn trong mùa mưa.

- Các Chủ đầu tư dự án yêu cầu các đơn vị thi công phải có phương án phòng chống thiên tai phù hợp đối với các công trình đang triển khai; đối với các công trình xây dựng trong khu vực dòng chảy, khu ngập lụt phải có kế hoạch xây dựng đảm bảo an toàn vượt lũ và thông thoáng dòng chảy trước 30/9/2021.

b. Công tác ứng phó thiên tai.

- Các địa phương triển khai, bố trí lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã sẵn sàng ứng phó thiên tai; triển khai thực hiện đảm bảo kế hoạch và nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ);

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là lực lượng nòng cốt trong ứng phó thiên tai, triển khai lực lượng phối hợp, hỗ trợ các địa phương ứng phó, cứu hộ khi có sự cố thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng người dân;

- Triển khai việc cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, không được để người dân bị đói, rét;

- Công an tỉnh tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự tại các vùng xảy ra mưa bão và các nơi sơ tán người dân; phối hợp Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, hỗ trợ di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn và tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

c. Công tác khắc phục thiên tai

- Các địa phương phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kịp thời kiểm tra, rà soát kỹ các trường hợp bị thiệt hại để hỗ trợ kịp thời đúng người, đúng đối tượng đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tránh để xảy ra việc gian lận trong kê khai;

- Sở Y tế đảm bảm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ nhân dân vùng thiên tai; triển khai phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 đối với người dân di dời trong vùng thiên tai;

- Sở Giao thông vận tải triển khai kế hoạch đảm bảo giao thông trên các tuyến đường tỉnh; đồng thời, phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong công tác đảm bảo giao thông trên các tuyến đường do địa phương quản lý, nhất là các tuyến đường bị sự cố, hư hỏng gây ách tắc làm cô lập các khu dân cư.

4. Giao Sở Y tế hướng dẫn các địa phương phương án di dời dân trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, đảm bảo vừa sơ tán dân an toàn vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch covid-19; hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong điều kiện mưa bão xảy ra.

5. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các đơn vị có liên quan xem xét đề xuất việc mua 01 xe kéo Cano phục vụ công tác cứu hộ ứng phó sự cố thiên tai; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan đề xuất sử dụng nguồn Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn; báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.

6. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan xây dựng phương án chi tiết đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân vùng thiên tai.

7. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: - Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất việc mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai năm 2021, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện. - Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/9/2021.

8. Các sở, ngành, các cấp địa phương phải chủ động, linh hoạt triển khai thực hiện phương án phòng chống thiên tai đạt hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về con người, tài sản của nhân dân và tài sản nhà nước./.

MP


Tin nổi bật Tin nổi bật