A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: Lo mất kế sinh nhai, người dân phản đối hoạt động nạo vét cát

Dự án nạo vét cát, khơi thông dòng chảy sông Hà Thanh được UBND tỉnh Bình Định cấp phép thực hiện nhưng mỗi lần doanh nghiệp đưa thiết bị đến triển khai đều bị người dân tập trung phản đối, cản trở. Vì sao?
Ngày 8.4, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND H.Tuy Phước (Bình Định), cho biết đã chỉ đạo UBND xã Phước Thuận (H.Tuy Phước) và các lực lượng chức năng tăng cường vận động, giải thích, đồng thời thực hiện các biện pháp khác để giải quyết dứt điểm tình trạng người dân phản đối, cản trở nạo vét cát ở khu vực sông Hà Thanh.

Lo ngại sạt lở và ô nhiễm nguồn nước

Theo ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, ngày 2.4, Công ty TNHH Phú Hiệp (Bình Định) đưa phương tiện đến khu vực thôn Diêm Vân (xã Phước Thuận) chuẩn bị thi công dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy tại cửa sông Hà Thanh kết hợp tận thu cát phục vụ san lấp mặt bằng Khu đô thị thương mại Bắc sông Hà Thanh thì bị nhiều người dân tập trung phản đối. Thậm chí, người dân thôn Diêm Vân còn chặt phá phao bè, cọc mốc dự án và buộc doanh nghiệp phải kéo phương tiện đi nơi khác.
Bình Định: Lo mất kế sinh nhai, người dân phản đối hoạt động nạo vét cát  - ảnh 1

Phương tiện nạo vét cát bị người dân yêu cầu đưa ra khỏi khu vực thôn Diêm Vân

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Ngày 6.4, lực lượng công an mời 1 người dân liên quan đến vụ việc nói trên đến UBND xã Phước Thuận để làm việc thì hàng chục người dân thôn Diêm Vân khác cũng đến đây để trình bày bức xúc, làm đơn kiến nghị tập thể để phản đối việc nạo vét, hút cát trên sông Hà Thanh.
Người dân cho rằng việc nạo vét, hút cát trên sông Hà Thanh sẽ làm ảnh hưởng đến tất cả người dân thôn Diêm Vân. Bởi đa số người dân thôn Diêm Vân sinh sống bằng các nghề nuôi trồng thủy sản ven bờ hoặc chài lưới, đánh bắt trên sông Hà Thanh.
Những người làm nghề đánh bắt thủy sản lo ngại khi Công ty TNHH Phú Hiệp hút cát sẽ làm mất đi chỗ chài lưới để bắt cá, cào phễnh, cào nghêu… trên sông Hà Thanh. Thậm chí, việc hút cát sẽ làm ô nhiễm nguồn nước khiến các loài thủy sản bỏ đi nơi khác sinh sống thì người dân sẽ mất kế sinh nhai.
Bình Định: Lo mất kế sinh nhai, người dân phản đối hoạt động nạo vét cát  - ảnh 2

Người dân lo ngại hoạt động nạo vét cát làm ô nhiễm nguồn nước, các loài thủy sản bỏ đi nơi khác

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Các hộ nuôi trồng thủy sản dọc bờ sông Hà Thanh lại lo ngại việc hút cát sẽ làm sạt lở bờ sông, cuốn trôi ao hồ, nhà cửa. Nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản.
“Hút cát ngoài sông quá sâu thì cát trong bờ dần bị kéo ra đó dẫn đến sạt lở hồ nuôi thủy sản, thậm chí cả nhà cửa. Nhà tôi 2 thế hệ đều sinh sống nhờ vào các hồ nuôi thủy sản sát bờ sông Hà Thanh, nếu hút cát gây ô nhiễm nguồn nước hay sạt lở hồ thì biết lấy gì mà sống?”, ông H.V.G (60 tuổi, xóm 2, thôn Diêm Vân) nói.

Do suy nghĩ chủ quan của người dân?

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tháng 4.2020, UBND tỉnh Bình Định có quyết định cho phép Công ty TNHH Phú Hiệp khai thác cát nhiễm mặn (để phục vụ san lấp mặt bằng Khu đô thị thương mại Bắc sông Hà Thanh) trong quá trình nạo vét, khơi thông dòng chảy tại cửa sông Hà Thanh. Theo đó, diện tích khu vực khai thác là 5,9 ha (đoạn thuộc xã Phước Thuận 2 ha và P.Nhơn Bình, TP.Quy Nhơn 3,9 ha).
Tháng 5.2020, UBND tỉnh Bình Định có quyết định cho Công ty TNHH Phú Hiệp thuê 5,9 ha đất này để thực hiện dự án.
Bình Định: Lo mất kế sinh nhai, người dân phản đối hoạt động nạo vét cát  - ảnh 3

Khu vực nạo vét cát đang bị người dân thôn Diêm Vân phản đối

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy tại cửa sông Hà Thanh kết hợp tận thu cát phục vụ san lấp mặt bằng Khu đô thị thương mại Bắc sông Hà Thanh đã có đầy đủ các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, từ tháng 5.2020 đến nay, mỗi lần Công ty TNHH Phú Hiệp đưa thiết bị ra triển khai dự án là bị người dân thôn Diêm Vân phản đối.
UBND xã Phước Thuận và Công ty TNHH Phú Hiệp nhiều lần vận động, giải thích để người dân đồng tình triển khai dự án. Công ty này cũng cam kết hỗ trợ toàn bộ 571 hộ dân thôn Diêm Vân, mỗi hộ 2 triệu đồng, hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản dọc khu vực triển khai dự án và thực hiện các biện pháp để không làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân…
Khi UBND xã tiến hành lấy ý kiến từng hộ dân trên địa bàn thôn Diêm Vân về dự án thì có 70% số hộ đồng ý triển khai dự án, 20% số hộ có ý kiến phản đối, số hộ còn lại không có ý kiến. “Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận triển khai dự án vì sự phát triển chung của tỉnh”, ông Phan Thế Khoa nói.
Bình Định: Lo mất kế sinh nhai, người dân phản đối hoạt động nạo vét cát  - ảnh 4

Hồ nuôi trồng thủy sản của người dân thôn Diêm Vân

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Ông Nguyễn Đình Thuận cho rằng việc nạo vét, khai thác cát diễn ra trên dòng chảy của sông Hà Thanh, xa khu dân cư nên không ảnh hưởng gì đến người dân. Chính quyền đã giải thích việc Công ty TNHH Phú Hiệp nạo vét cát là thực hiện theo giấy phép của tỉnh, việc cản trở hoạt động nạo vét cát của người dân là sai và người dân phải giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương…
“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo lực lượng công an xử lý nghiêm các hành vi sai pháp luật, những người cố tình phá hoại tài sản, cản trở hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp thì phải lập biên bản, xử lý”, ông Thuận nói.
Một lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bình Định cho biết hoạt động nạo vét, tận thu cát của Công ty TNHH Phú Hiệp hiện chưa ảnh hưởng đến môi trường và chưa gây sạt lở bờ sông. Một số người dân lại lo ngại kế sinh nhai bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ chủ quan của mình nên phản đối dự án. Tuy nhiên, các bên cũng cần xem xét lại tất cả các nội dung mà người dân lo lắng, phản ánh, yêu cầu quyền lợi để kịp thời tháo gỡ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
 

Hoạt động hút cát 8 giờ mỗi ngày

Theo Sở TN-MT tỉnh Bình Định, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy tại cửa sông Hà Thanh kết hợp tận thu cát phục vụ san lấp mặt bằng Khu đô thị thương mại Bắc sông Hà Thanh đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt vào tháng 2.2020.

Theo báo cáo này, khoảng cách từ biên dự án đến bờ hồ tôm và bờ kè sông Hà Thanh trên 50m, chiều dài nạo vét 910 m, mức sâu khai thác thấp nhất -1,7 m, trữ lượng, khối lượng khai thác 35.477 m3 cát…

Thời gian thực hiện dự án 14 tháng, hoạt động 8 giờ/ngày (từ 7 giờ - 11 giờ 30 phút và từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ), không nạo vét vào các thời điểm khi triều lên cao.

Quy trình nạo vét là sử dụng máy bơm công suất 15 m3 cát/giờ đặt trên thuyền để hút cát lẫn bùn sệt vào đường ống (hút từ thượng lưu về hạ lưu theo từng khu vực), sau đó cát và bùn được bơm vào vị trí cần san lấp của Khu đô thị thương mại Bắc sông Hà Thanh.


Tin nổi bật Tin nổi bật