A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Bình Định năm 2025

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 10/5, tại Cảng Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Bình Định năm 2025 với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.

Dự lễ có các đồng chí: Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh; Huỳnh Thúy Vân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các thành viên Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 500 đại biểu là người lao động tại thành phố Quy Nhơn.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng

Lễ phát động nhằm tạo cao điểm về các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời thúc đẩy các giải pháp, chương trình hành động cụ thể về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, thúc đẩy các cấp, các ngành, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai các chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, đầu tư thiết bị hiện đại, tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động. Sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đã góp phần làm giảm đáng kể tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động, nhất là trong các ngành có nguy cơ cao như xây dựng, chế biến gỗ, khai thác khoáng sản,… vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc xảy ra là do chủ quan, thiếu nhận diện sớm rủi ro, chưa có các biện pháp phòng ngừa thỏa đáng. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ), năm 2024 toàn quốc đã xảy ra 8.286 vụ với 8.472 người bị nạn, trong đó số người chết là 727 người và số người bị thương nặng là 1.690 người. Tại tỉnh Bình Định, năm 2024 đã xảy ra 62 vụ với 86 người bị nạn (giảm 30 vụ và giảm 08 người so với năm 2023); trong đó số người chết do tai nạn lao động là 12 người (giảm 05 người so với năm 2023); số người bị thương nặng 24 người (tăng 15 người so với năm 2023).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Bình Định năm 2025.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh: Việc tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc là yêu cầu cấp thiết để thay đổi nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện của các cơ quan và doanh nghiệp về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn, nhân văn và thân thiện, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang kêu gọi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người lao động cùng hành động vì một môi trường làm việc an toàn – văn minh – hiệu quả, vì sức khỏe, tính mạng và sự phát triển bền vững của người lao động, của doanh nghiệp và của tỉnh nhà.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý về công tác an toàn, vệ sinh lao động, trong đó, tập trung triển khai quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; Chỉ thị số 43-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XX) về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác An toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới; thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn về công tác An toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của Tháng hành động; phổ biến pháp luật, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với từng ngành nghề, từng nhóm đối tượng.

Các doanh nghiệp cần xác định công tác an toàn, vệ sinh lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, do đó phải thường xuyên tổ chức đánh giá, nhận diện đầy đủ các nguy cơ, rủi ro tại nơi làm việc; xây dựng và triển khai các biện pháp phòng ngừa cụ thể, khả thi, gắn với thực tiễn từng đơn vị; đầu tư, cải thiện điều kiện lao động, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân, xây dựng môi trường lao động xanh – sạch – đẹp – an toàn…

Người lao động cần nâng cao ý thức, trách nhiệm tự phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tự giác chấp hành các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động; chấp hành các nội quy, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình làm việc an toàn, đặc biệt là trong vận hành các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cũng đề nghị tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, tập trung vào các ngành nghề có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động gắn với việc phát huy vai trò của công đoàn cơ sở trong giám sát, kiến nghị cải thiện điều kiện lao động; động viên, hỗ trợ người lao động tích cực tham gia các hoạt động của Tháng hành động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (bìa trái) trao Bằng khen và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân (bìa phải) tặng hoa cho các tập thể.

Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 06 tập thể và 06 cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022-2024.

Các đại biểu trồng cây lưu niệm tại lễ phát động


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật