A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biến nghị quyết thành hiện thực sinh động, mang lại hạnh phúc cho nhân dân

Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng đã thành công rực rỡ. Sau Ðại hội, yêu cầu quan trọng đặt ra là sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, xung quanh chủ đề này.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: N.V.TRANG

● Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ĐH XIII) nêu rõ các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XHgiai đoạn 2021 - 2025; định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030; xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ ĐH XIII. Xin đồng chí cho biết, tỉnh Bình Định sẽ vận dụng các khâu đột phá như thế nào để thúc đẩy phát triển KT-XH trong giai đoạn đến?

- Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các khâu đột phá được đề ra từ Nghị quyết ĐH XIII của Đảng có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh Bình Định đang dồn sức để bứt phá, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.

Trước hết, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt 3 mục tiêu: Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, đi đôi với thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là về đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả.

Thứ hai, ưu tiên đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng GD&ĐT, gắn với công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ, các nhà khoa học có trình độ cao. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển KH&CN; khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi người dân, nhất là đội ngũ trí thức, thế hệ trẻ trong xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Thứ ba là tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên các công trình trọng điểm về giao thông. Trong 5 năm đến, tỉnh ta tập trung đầu tư hoàn thành tuyến đường ven biển (từ Quy Nhơn đến Tam Quan); tuyến đường phía Tây đầm Thị Nại (từ Cát Tiến đến QL 19 mới); tuyến QL 19C nối dài (từ Diêu Trì đến Cảng Quy Nhơn). Đồng thời, mở rộng, nâng cấp QL 19B (từ Cảng hàng không Phù Cát đến Bảo tàng Quang Trung), đường 19C (từ Diêu Trì đến thị trấn Vân Canh); tuyến đường từ QL 1D đến QL 19 mới; các tuyến đường kết nối từ QL 1A đến tuyến đường ven biển; xây dựng đập dâng Phú Phong và nâng cấp các hồ chứa đã xuống cấp; hoàn thành việc xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền và tránh trú bão Tam Quan, Đề Gi.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục nâng cấp các cơ sở y tế, giáo dục; hoàn thành việc nâng cấp Bảo tàng Quang Trung và các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng tham gia quá trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế số, xã hội số. Tập trung mọi nỗ lực để hoàn thành việc đầu tư Khu đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm trí tuệ nhân tạo Long Vân.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng tặng quà tết cho người dân xã Canh Liên, huyện Vân Canh. Ảnh: NGUYỄN VĂN TRANG

● Phát biểu bế mạc ĐH XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu sớm đưa Nghị quyết ĐH đi vào cuộc sống. Đảng bộ tỉnh sẽ thực hiện yêu cầu này như thế nào, thưa đồng chí?

- Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống phải đồng thời làm thật tốt việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện. 

Phải khẳng định ngay rằng, việc học tập, quán triệt Nghị quyết ĐH XIII của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Do vậy, việc học tập, quán triệt Nghị quyết cần được tổ chức theo hướng thiết thực, hiệu quả; bảo đảm mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đều quán triệt, nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và hình thức, bảo đảm phù hợp với từng nơi, từng đối tượng.

Đội ngũ báo cáo viên phải nghiên cứu sâu, nắm vững Nghị quyết, có tư duy, quan điểm đúng đắn, có lập trường, tư tưởng vững vàng, có bản lĩnh, tâm huyết và trách nhiệm, có kinh nghiệm, nghiệp vụ, kỹ năng, bảo đảm truyền đạt trung thực, chính xác, sinh động nội dung Nghị quyết, phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền về Nghị quyết cần được tiến hành sâu rộng, thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, mới mẻ, phù hợp với từng đối tượng ở các địa bàn, lĩnh vực khác nhau; bảo đảm đông đảo các tầng lớp nhân dân đều được phổ biến, tuyên truyền về Nghị quyết.

Về tổ chức thực hiện, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiếp thu tối đa các quan điểm, mục tiêu, định hướng đề ra từ Nghị quyết để hoàn thiện các Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết ĐH XIII của Đảng, Nghị quyết ĐH XX Đảng bộ tỉnh phù hợp với điều kiện, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Nghị quyết, các Chương trình hành động gắn với đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, mà trực tiếp là bí thư cấp ủy các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, chủ trì việc tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, kế hoạch hành động của từng đảng viên thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và hằng năm đánh giá kết quả thực hiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiếp thu tối đa các quan điểm, mục tiêu, định hướng đề ra từ Nghị quyết để vận dụng phù hợp với điều kiện, lợi thế của tỉnh.

- Trong ảnh:  Biểu tượng linh vật năm Tân Sửu - điểm đến thu hút người dân, du khách trong dịp tết Nguyên đán năm nay. Ảnh: VĂN LƯU

● Phát biểu thêm trong diễn văn bế mạc ĐH XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ rằng, ĐH chỉ là mở đầu, còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của ĐH. Xin đồng chí cho biết suy nghĩ của mình về ý kiến này của Tổng Bí thư?

- Tôi rất tâm đắc với ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Nếu chúng ta không tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả, chất lượng thì Nghị quyết vẫn chỉ nằm trên giấy.

Để Nghị quyết thành hiện thực sinh động, từng cấp ủy, chính quyền các cấp phải chú trọng làm tốt khâu tổ chức thực hiện, từ xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể, khoa học, gắn với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cũng phải xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; thể hiện quyết tâm, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mình.

Và, quan trọng nhất là khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh; quyết tâm, kiên trì thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đề ra từ Nghị quyết; tích cực đổi mới trong cách nghĩ, cách làm; quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát... để đảm bảo quá trình thực hiện đúng định hướng, mang lại kết quả cao nhất.

● Xin cảm ơn đồng chí!

Theo NGUYỄN VĂN TRANG (baobinhdinh.com.vn)

 


 




Tin nổi bật Tin nổi bật