A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chỉ thị về việc tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang ngưòi trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Hiện nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang xảy ra tại 17 tỉnh trong cả nước, trong đó có các tỉnh giáp ranh với tỉnh Bình Định là tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa và diễn biến dịch bệnh rất phức tạp. Bộ Y tế đã ghi nhận 02 ca tử vong ở người do cúm A/H5N1. Mặt khác, Dịch cúm A/H7N9 đang xảy ra tại Trung Quốc, với 190 ca nhiễm ở người, trong đó có 19 ca tử vong (tính từ đầu năm đên nay). Đặc biệt nguy hiểm là vi rút cúm A/H7N9 không gây bệnh lâm sàng trên gia cầm và chưa có vaccine phòng bệnh. Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định nguy cơ xâm nhiễm vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Namlà rất cao.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, tại Bình Định, kết quả giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm tại các chợ, lò mổ trên địa bàn tỉnh trong tháng 01 và tháng 02/2014 vẫn đang ở mức cao (chiếm 51,2%); thêm vào đó, hoạt động vận chuyển gia cầm quá cảnh qua lại các tuyến Quốc lộ 1A, 19 đi qua các tỉnh có dịch ngày càng gia tăng, do đó nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh Bình Định là rất cao.

Nhằm tăng cường thực hiện Công điện số 200/CĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người; Chỉ thị số 4538/CT-BNN-TY ngày 20/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9, H10N8 và Công điện số 441/CĐ-BYT ngày 06/02/2014 của Bộ Y tế về đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm từ gia cầm lây sang người; chủ động tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp tổng hợp để phòng chống các loại dịch cúm gia cầm và cúm ở người, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc Sở Nông Nghiệp và PTNT, Sở Y tế theo chức năng nhiệm vụ được giao:

- Chủ động phối hợp Đài PT-TH Bình Định, Báo Bình Định, các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường công tác thông tin về tình hình dịch bệnh; tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, cúm ở người; vận động cộng đồng tuyệt đối không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, bị bệnh và không được kiểm soát thú y; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phát hiện sớm dịch bệnh và báo cáo kịp thời cho cơ quan thú y, chính quyền cơ sở. Trường hợp phát hiện ở người có dấu hiệu nghi cúm gia cầm, phải đến ngay cơ sở Y tế gần nhất để được hướng dẫn, tư vấn kịp thời. Nội dung tuyên truyền giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp Sở Y tế hướng dẫn đảm bảo nhất quán, cụ thể, dễ hiểu, tránh gây hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân.

- Xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai ngành và tổ chức triển khai thực hiện theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế về Hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây từ động vật sang người; đảm bảo phát huy hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

a) Nhanh chóng củng cố và kiện toàn hoạt động Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật ở các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đứng chân địa bàn để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác giám sát, tiêm phòng, tiêu độc sát trùng và phòng chống dịch bệnh.

b) Tăng cường tuyên truyền trên Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã để thông tin tình hình dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng chống cúm gia cầm, cúm ở người. Vận động người dân hợp tác với cơ quan Thú y, Y tế, Chính quyền địa phương trong phát hiện và khai báo dịch bệnh. Nêu gương những địa phương, cá nhân tích cực trong phòng chống dịch và phê phán những địa phương chủ quan, lơ là, những cá nhân không chấp hành quy định phòng chống dịch cúm gia cầm.

c) Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine cúm gia cầm đợt 1/2014, đảm bảo hoàn thành trước ngày 28/02/2014 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 185/UBND-TH ngày 15/01/2014.          '

d) Chỉ đạo thành lập các đội cơ động chuyên trách chống dịch cấp huyện, cấp xã để chủ động sẵn sàng ứng phó kịp thời khi dịch xảy ra.

đ) Tổ chức các đợt ra quân vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch cúm gia cầm theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

e) Chỉ đạo các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương phối hợp Ban quản lý các chợ có mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, bố trí địa điểm phù hợp dành cho giết mổ, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Thú y. Thực hiện cam kết chấp hành quy định phòng chống dịch cúm gia cầm giữa các hộ mua bán, giết mổ với chính quyền địa phương. Nghiêm cấm dịch vụ giết mổ gia cầm trên vỉa hè, trong nhà, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, cũng như mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm ngoài phạm vi quy định. Trường hợp phát hiện, tịch thu tiêu hủy gia cầm và các dụng cụ có liên quan.

g) Thành lập các Tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra công tác tổ chức phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương, kiểm tra hoạt động giết mổ, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các chợ và cơ sở giết mổ gia cầm thuộc địa bàn. Tịch thu và xử lý tiêu hủy khi phát hiện gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Ngân sách các huyện, thị, thành phố hỗ trợ cho Tổ công tác liên ngành và các công tác liên quan phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương.

h) Hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị bệnh, chết buộc tiêu hủy do dịch, bệnh hoặc do tiêm phòng và các rủi ro khác do tiêm phòng theo các quy định hiện hành của UBND tỉnh Bình Định.

i) Chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn:

- Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine cúm gia cầm đợt 1/2014, đảm bảo hoàn thành trước ngày 28/02/2014. Chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp huyện nếu để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra do chủ quan, thiếu quan tâm.

- Giao trách nhiệm cho thú y xã, thôn và Trưởng thôn theo dõi, giám sát dịch bệnh và quản lý hoạt động xuất, nhập, nuôi mới, tái đàn gia cầm thuộc địa bàn. Phát hiện và báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh cho Trạm Thú y để xác định dịch bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không được giấu dịch.

- Phối hợp Trạm Thú y tổ chức kiểm tra các điểm giết mổ gia cầm và các trại chăn nuôi gia cầm thuộc địa bàn; thực hiện cam kết chấp hành các quy định phòng chống dịch cúm gia cầm.

3. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của Sở. Thành lập các đoàn công tác, tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương. Báo cáo UBND tỉnh những địa phương còn chủ quan, thiếu quan tâm để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

b) Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người, trình UBND tỉnh phê duyệt. Xây dựng dự toán kinh phí phòng chống dịch bệnh động vật và làm việc với Sở Tài chính để thống nhất, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

c) Về lâu dài chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương và UBND các huyện, thị, thành phố rà soát, bổ trí địa điểm quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Trước mắt quy định địa điểm mua bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm tại chợ, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với từng địa phương, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/06/2014 để chỉ đạo.

d) Phát động phong trào thi đua phòng chống dịch bệnh động vật nguy hiểm lây sang người năm 2014 trên toàn tỉnh và tổng kết, báo cáo UBND tỉnh.

đ) Xây dựng quy chế khen thưởng cho các đối tượng khai báo sớm dịch bệnh và cung cấp thông tin các trường hơp vi phạm quy định kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh; đồng thời, đề xuất hình thức kỷ luật đối với cơ quan liên quan chậm báo cáo dịch bệnh địa phương, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

e) Chỉ đạo duy trì hoạt động của các Tổ cơ động chống dịch của ngành, đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó kịp thời khi dịch xảy ra.

f) Chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh:

- Thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng cho nhân dân biết, chỉ đạo Trạm thú y các huyện, thị, thành phố thường xuyên liên lạc thú y các địa phương, nắm bắt thông tin dịch bệnh; khi phát hiện dịch bệnh, không được giấu dịch, phải tiến hành thu thập mẫu xét nghiệm và nhanh chóng phối hợp bao vây, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, thông báo cơ quan Y tế để phối hợp điều tra dịch tễ và hướng dẫn biện pháp phòng chống bệnh cúm cho người

- Phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn phối hợp kiểm tra, giám sát và đôn đôc công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương. Chủ động đầy đủ lực lượng, trang thiết bị, vật tư, hóa chất... sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó kịp thời khi dịch xảy ra.

- Phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông, tăng cường kiểm tra hoạt động phúc kiểm tại các chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông. Phát hiện và tịch thu xử lý tiêu hủỵ động vật, sản phẩm động vật vận chuyển không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch. Chi phí tiêu hủy do chủ lô hàng động vật, sản phẩm động vật chi trả. Đồng thời, phối hợp công an các địa phương, tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán, giết mổ gia cầm tại các cơ sở giết mổ, các chợ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

4. Giám đốc Sở Y tế:

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe và Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố phối hợp với cơ quan thú y trong công tác tuyên truyền, giám sát dịch tễ, phát hiện và xử lý ổ dịch, phát huy hiệu quả quy chế phối hợp theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT- BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế.

- Chỉ đạo các bệnh viện đa khoa chuẩn bị đủ điều kiện, đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư, sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi xảy ra dịch cúm.

5- Giám đốc Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và công an các địa phương phối hợp lực lượng Thú y trong công tác kiểm dịch động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông và kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật và sản phẩm động vật tại các địa phương khi có yêu cầu.

6. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế xây dựng kinh phí và phân bổ kịp thời để phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và các bệnh nguy hiểm lây sang người.

7. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị, thành phố, Hiệu trưởng các Trường phổ thông trung học lồng ghép chương trình ngoại khóa để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh về tác hại của bệnh cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người và các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

8. Giám đốc Sở Công thương: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, Ban quản lý các chợ, Trung tâm thương mại phối hợp lực lượng Thú y, Y tế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, giết mô gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tại các nơi mua bán, tiêu thụ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

9. Đề nghị các tổ chức, hội, đoàn thể phối hợp chính quyền địa phương các cấp tăng cường vận động, tuyên truyền hội viên, đoàn viên mình nhận thức đúng về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và các bệnh động vật lây sang người theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và ngành Y tế để tự giác thực hiện.       

 T.T


Tin nổi bật Tin nổi bật