Đánh giá, công nhận chất lượng bệnh viện
Dự thảo nêu rõ, đánh giá chất lượng bệnh viện là chương trình đánh giá ngoại kiểm độc lập được thực hiện bởi các đội ngũ chuyên gia, đánh giá viên độc lập với cơ sở y tế được đánh giá. Hoạt động đánh giá bao gồm tất cả các lĩnh vực hoạt động và thực hành của bệnh viện. Mục đích trọng tâm của việc đánh giá là đảm bảo rằng các điều kiện an toàn và chất lượng chăm sóc người bệnh được quan tâm đầy đủ.
Các mục đích cụ thể bao gồm: Đánh giá chất lượng và sự an toàn của dịch vụ chăm sóc mà bệnh viện cung cấp; đánh giá khả năng của bệnh viện trong công tác cung cấp dịch vụ y tế để đảm bảo cải tiến liên tục chất lượng chăm sóc người bệnh; có cơ sở thực tế để đưa ra các khuyến nghị rõ ràng; thúc đẩy nâng cao sự hài lòng của người dân với bệnh viện; cung cấp kết quả đánh giá cho các tổ chức, cá nhân ngoài bệnh viện.
Theo dự thảo, thời gian đánh giá gồm: 1. Đánh giá theo định kỳ: Đánh giá nội bộ: thời gian do bệnh viện quy định; đánh giá do cơ quan quản lý: thời gian do cơ quan quản lý có thẩm quyền quy định; 2. Đánh giá đột xuất: Theo quyết định của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế/cơ quan quản lý tương đương; 3. Đánh giá do đoàn đánh giá độc lập: Thực hiện vào thời điểm bất kỳ trong năm.
Điều kiện để được đánh giá, công nhận chất lượng bệnh viện
Ảnh minh họa
Theo dự thảo, điều kiện để được đánh giá, công nhận chất lượng bệnh viện gồm: 1. Đủ điều kiện công nhận bệnh viện đang hoạt động và hành nghề theo đúng quy định của Luật khám chữa bệnh.
2. Đơn vị cơ sở khám chữa bệnh cần đáp ứng các yêu cầu sau: a) Đang hoạt động như một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo quy mô số giường bệnh đã đăng ký và được thẩm định phê duyệt hoạt động; b) Bệnh viện có số lượng người bệnh nội trú và ngoại trú sẽ giúp đánh giá chất lượng dịch vụ và chăm sóc người bệnh (mức tối thiểu là 30% số giường nội trú đang hoạt động); c) Bệnh viện cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn và các yêu cầu pháp lý/luật định/ chế định hiện hành về hoạt động hành nghề và cung cấp dịch vụ Y tế của ngành Y tế; d) Bệnh viện đã có triển khai các hoạt động quản lý và cải tiến chất lượng theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của Bộ Y tế trong thời gian tối thiểu là một năm.
Quy trình đánh giá
Theo dự thảo, quy trình tiến hành đánh giá gồm 5 bước:
Bước 1: Đoàn đánh giá tiến hành làm việc và thông qua các văn bản quyết định đánh giá bệnh viện.
Bước 2: Đoàn đánh giá tiến hành kiểm tra các văn bản và các nội dung chuẩn bị của bệnh viện.
Bước 3: Tiến hành đánh giá theo Bộ Tiêu chí và kế hoạch được phân công.
Bước 4: Đoàn đánh giá tiến hành họp các đánh giá viên để thống nhất kết quả đánh giá
Bước 5: Đại diện Đoàn kiểm tra thông báo về kết quả đánh giá và tiếp nhận các ý kiến phản hồi của bệnh viện. Tiến hành đưa ra kết luận, khuyến nghị.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh ra văn bản trình Bộ trưởng Bộ Y tế công nhận kết quả đánh giá và xếp hạng các bệnh viện được đánh giá sau khi hoàn tất các thủ tục, giải quyết các khiếu nại từ bệnh viện (nếu có) và phúc tra liên quan đến kết quả đánh giá được trình bởi các Sở Y tế.
Kết quả công nhận được Bộ Y tế công bố trên website và các kênh phương tiện truyền thông chính thống: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh công bố kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trường đại học và các bệnh viện do Bộ Y tế phúc tra. Sở Y tế công bố kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng các bệnh viện trên địa bàn tỉnh do Sở Y tế trực tiếp đi kiểm tra, đánh giá (lập danh sách mức chất lượng của các bệnh viện trực thuộc từ cao đến thấp, không đưa vào danh sách kết quả bệnh viện tự kiểm tra hoặc các hình thức khác). Y tế các Bộ, ngành khác công bố kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng các bệnh viện trực thuộc, căn cứ vào kết quả đánh giá của Sở Y tế và Y tế các Bộ, ngành khác.
Bộ Y tế và Sở Y tế không công nhận kết quả các hình thức kiểm tra khác.
Theo chinhphu.vn