Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020
Ảnh minh họa
Mục đích là triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trên địa bàn; góp phần đẩy mạnh kinh tế tư nhân phát triển hiệu quả, bền vững, đa dạng, tăng trưởng về số lượng, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong nền kinh tế của tỉnh.
Công tác hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh cần bám sát các nội dung, quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo đúng đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền quy định. Các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Áp dụng đối với hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật, có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh đáp ứng các tiêu chí xác định DNNVV theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV và quy định khác của pháp luật có liên quan; các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch triển khai vận động và tuyên truyền các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các hộ kinh doanh trên địa bàn chuyển sang hoạt động theo các loại hình doanh nghiệp, với mục tiêu cụ thể như sau: Tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2020: 500 doanh nghiệp.Trong đó: Thành phố Quy Nhơn 180 doanh nghiệp; Huyện Hoài Nhơn 80 doanh nghiệp; Thị xã An Nhơn 70 doanh nghiệp; Huyện Phù Mỹ 30 doanh nghiệp; Huyện Phù Cát 30 doanh nghiệp; Huyện Tây Sơn 30 doanh nghiệp; Huyện Tuy Phước 30 doanh nghiệp; Huyện Hoài Ân 20 doanh nghiệp; Huyện An Lão 10 doanh nghiệp; Huyện Vĩnh Thạnh 10 doanh nghiệp; Huyện Vân Canh 10 doanh nghiệp.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện: Phổ biến, tuyên truyền về những lợi ích khi chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp đến các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng trong các thủ tục để thúc đẩy, hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp; Tăng cường quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh nhằm tạo sức hút trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì, kiểm tra, theo dõi việc triển khai thực hiện kế hoạch; định kỳ trước ngày 10/12 hằng năm báo cáo UBND tỉnh. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao. Sở Tài chính phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan tổng hợp, tham mưu bố trí kinh phí trong dự toán hằng năm và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí để thực hiện kế hoạch này.
TL