Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn
Ảnh minh họa
Mục tiêu cụ thể là phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,8 - 3,2%/năm; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ít nhất 80% (trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); có 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,6 lần năm 2020; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%.
Các nhiệm vụ chính đề ra là thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành, tiểu ngành, lĩnh vực; lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên, lộ trình thực hiện các nhiệm vụ để tạo chuyển biến rõ nét trong tăng trưởng chung của toàn ngành; phát triển các sản phẩm nông sản theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực.
Đồng thời phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản để phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm nông, lâm, thủy sản, tăng thu nhập cho nông dân. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ, ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
Nâng cao trình độ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và quản trị ngành.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân, gắn với nhu cầu của thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP và kiểm tra chuyên ngành, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế và tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo ATTP.
Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển thị trường; tổ chức lại hệ thống thương mại nông sản nội địa; nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường; kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu với mục tiêu chung là tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản cho nông dân; nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam, cả thị trường nội địa và quốc tế. Tận dụng cơ hội của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; tổ chức lại thị trường trong nước phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhằm thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác khoa học, đào tạo.
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức để việc bảo vệ môi trường nông thôn. Có chính sách đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, nhất là ở các làng nghề. Ưu tiên huy động nguồn lực bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, áp dụng các biện pháp sử dụng tiết kiệm nước và vật tư nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính...
Thùy Trang