A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả heo (lợn) Châu Phi trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 - 2025.

Ảnh minh họa

Kế hoạch được ban hành nhằm chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP); bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong năm đầu thực hiện Kế hoạch; trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 02 năm tiếp theo và trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 02 năm cuối thực hiện Kế hoạch. Xây dựng thành công ít nhất 01 chuỗi sản xuất heo, sản phấm thịt heo an toàn bệnh DTLCP, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước. Có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ (theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ) áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học.

Theo Kế hoạch, khi chưa có dịch xảy ra, các trang trại chăn nuôi quy mô vừa, lớn cần thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và chăn nuôi nông hộ thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh, trong đó có vi rút DTHCP; định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán và giết mổ lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn theo đúng quy trình vệ sinh phòng dịch. Thực hiện các đợt tiêu độc khử trùng môi trường do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế, các địa phương chủ động tổ chức triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong môi trường chăn nuôi. Khi đã xảy ra dịch, tại ổ dịch (xã, phường, thị trấn có dịch) và vùng bị dịch uy hiếp (các xã, phường, thị trấn tiếp giáp với ổ dịch) thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo; Vùng đệm (các xã, phường, thị trấn tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp) thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 01 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch.

Đối với lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh DTHCP cần phải được tiêu hủy toàn bộ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với lợn khỏe mạnh tại cơ sở có lợn mắc bệnh DTHCP hoặc tại các cơ sở chưa có lợn mắc bệnh nhưng nằm trong vùng dịch khi có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP có thể được vận chuyển, giết mổ theo quy định.

Việc kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch vận chuyển, các quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; vệ sinh và phun thuốc sát trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển; vệ sinh, sát trùng người tham gia vận chuyển; tổ chức lấy mẫu đối với các trường hợp heo nghi mắc bệnh, sản phẩm heo nghi mang mầm bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý triệt bảo đảm không làm lây lan dịch bệnh.

Kế hoạch cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan, doanh nghiệp, người chăn nuôi, người vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, đơn vị để tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo, đề nghị của cơ quan Trung ương và địa phương được giao chủ trì, tổ chức thực hiện; thực hiện các quy định hiện hành của pháp luật về chăn nuôi, thú y, phòng, chống dịch bệnh; thực hiện theo chỉ đạo, đề nghị của cơ quan Trung ương và địa phương được giao chủ trì, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh; phối hợp tốt với cơ quan chức năng, thông báo kịp thời khi phát hiện tình trạng dấu dịch của địa phương, của hộ khác, tình trạng vứt xác lợn ốm chết ra môi trường, hiện tượng bán chạy lợn bệnh, không tuân thủ các biện pháp chống dịch của người chăn nuôi.

TL


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật