|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Trong năm 2021, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần vào việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa (Nguồn: baobinhdinh.vn)

Tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp

Thực hiện Quyết định số 910/QĐ-UBND ngày 17/3/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp (DN).

Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang Thông tin điện tử của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố luôn cập nhật kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương có liên quan đến hoạt động của DN; giúp DN cập nhật dễ dàng, chủ động nắm bắt những quy định, hướng dẫn của ngành tại địa phương.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định xây dựng chương trình truyền hình “Pháp luật và đời sống”; đồng thời, triển khai thực hiện chuyên mục “Công dân hỏi - Giám đốc Sở trả lời” trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thông qua các lớp tập huấn chuyên môn, các sở, ngành đã lồng ghép triển khai tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thương mại điện tử; sử dụng năng lượng an toàn, tiết kiệm và hiệu quả,... đến các đối tượng thanh niên đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tổ chức các hội thảo “Hội nhập kinh tế quốc tế” cho đối tượng cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, đại diện Hiệp hội các ngành hàng, các DN hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, trong đó có hơn 50% đối tượng tham gia nằm trong độ tuổi thanh niên.

Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ các DN

Trong năm, Sở Công Thương đã phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị hướng dẫn thông tin quy định của thị trường và giới thiệu cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc tới các tỉnh miền Trung nhằm hỗ trợ các địa phương và DN trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đoàn thể, Hiệp hội ngành hàng và các DN trên địa bàn tỉnh về EVFTA cho các đối tượng là đại diện các sở, ban, ngành; các tổ chức đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Hiệp hội, ngành hàng, các DN, ngân hàng, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp Sở Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, với sự tham gia của 100 DN trong Khu kinh tế và các Khu công nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các DN thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; triển khai việc đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong Khu kinh tế và các Khu công nghiệp.

Quan tâm tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Nhằm giải đáp các thắc mắc, kiến nghị, kịp thời tháo gỡ những khó khăn liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với các DN đang hoạt động tại Khu kinh tế Nhơn Hội và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đối thoại với các DN, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh; tổ chức họp với các DN để tiếp nhận các kiến nghị, chỉ đạo biện pháp giải quyết các khó khăn về pháp luật cho các doanh nghiệp.

Cùng với đó, UBND tỉnh còn tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan để kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác minh, làm rõ để tham mưu cho người có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân và DN…

Trong công tác thanh tra, năm 2021, toàn ngành Thanh tra của tỉnh đã tiến hành 62 cuộc thanh tra hành chính tại 87 đơn vị; ban hành Kết luận thanh tra 46 cuộc, phát hiện sai phạm về kinh tế 11.512 triệu đồng và 12.046 m2 đất các loại; xử lý thu hồi về cho Nhà nước 9.776 triệu đồng và 2.724 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý khác về kinh tế 1.736 triệu đồng và 9.322 m2 đất các loại; kiến nghị kiểm điểm, xử lý hành chính 13 tập thể và 29 cá nhân; chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 01 vụ có dấu hiệu tội phạm.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 1.862 lượt/2.752 người đến Trụ sở tiếp công dân và các cơ quan nhà nước trình bày 1.602 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua tiếp công dân, các cấp, các ngành đã hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật; giải thích, thuyết phục công dân chấp hành quyết định giải quyết đã có hiệu lực đối với những vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc giải quyết kịp thời các vụ việc thuộc thẩm quyền.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Kể từ ngày 09/12/2019, tỉnh đã triển khai thực hiện chính thức quy trình thu phí, lệ phí điện tử giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Đến nay, việc thực hiện thu phí, lệ phí điện tử không sử dụng tiền mặt tại Trung tâm đã hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả cao trong giải quyết TTHC, góp phần nâng cao công tác cải cách hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân và DN khi đến Trung tâm liên hệ giải quyết TTHC; đồng thời, tiết kiệm được chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN ngày càng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, văn minh do Nhà nước quy định; góp phần giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết TTHC, đáp ứng yêu cầu về hạn chế, không sử dụng tiền mặt đối với các dịch vụ công theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sử dụng Phần mềm Một cửa điện tử; thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 thông qua Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích một cách đồng bộ, liên thông giữa các cơ quan, tổ chức cũng góp phần tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, DN trong công tác giải quyết thủ tục hành chính...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.

Từ thực trạng trên, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế kiện toàn nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN ở địa phương; tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật để địa phương để có cách hiểu đúng, thống nhất về chỉ số B1, về phương thức và nội dung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1.

Còn đối với các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh kiến nghị tiếp tục rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, xem xét sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ những quy định không cần thiết nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia; có cơ chế vận hành, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; quy định thống nhất việc sử dụng các phần mềm ứng dụng từ Trung ương đến địa phương để tăng tính kết nối và chia sẻ dữ liệu. Kịp thời ban hành các quyết định công bố thủ tục hành chính khi có văn bản quy phạm pháp luật thay đổi; đồng thời, quy định thời gian giải quyết thủ tục hành chính phù hợp với thực tiễn giải quyết thủ tục tại địa phương để đảm bảo tính khả thi, nhất là đối với các thủ tục hành chính liên thông do nhiều cơ quan tham gia giải quyết./.

Kim Loan


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật