Kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng với Quy định không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu
(binhdinh.gov.vn) - Ngày 23/8/2024, UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 3024/QĐ-UBND Kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng với Quy định không gây mất rừng (EUDR) của Liên minh Châu Âu (EU) trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Kế hoạch nhằm mục đích tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và tham gia thương mại quốc tế vào thị trường Châu Âu đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Định theo Khung hành động thực hiện thích ứng với Quy định sản xuất, xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của Châu Âu trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự phối hợp của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, người dân và tổ chức quốc tế để hỗ trợ quản lý giám sát chặt chẽ và phản hồi thông tin cơ sở dữ liệu liên quan về canh tác bền vững, hàng hóa gỗ và sản phẩm gỗ không gây phương hại đến rừng.
Kế hoạch đề ra những nhiệm vụ trọng tâm sau: Tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR đến các cơ quan quản lý các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh, cấp huyện về khu vực rừng, khu vực đất Lâm nghiệp và vùng trồng liên quan đến ngành chế biến và xuất khẩu gỗ có ảnh hưởng bởi quy định EUDR. Tiếp tục xây dựng và triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng có gắn với định vị điểm (GPS) và ranh giới số (Polygon) của từng khu rừng trồng liên quan đến ngành chế biến và xuất khẩu gỗ bị ảnh hưởng bởi EUDR. Triển khai các nội dung liên quan đảm bảo hiệu quả trong quản lý giám sát các loại hàng hóa chính ảnh hưởng quy định EUDR.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh; tổng hợp tình hình triển khai thực hiện, định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh, các cấp khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã thành phố có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch kịp thời, hiệu quả; phổ biến quy định EUDR, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đến các đơn vị trực thuộc sở, các chủ rừng và đơn vị có liên quan khác để triển khai thực hiện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thành lập Nhóm công tác công tư cấp tỉnh. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kết hợp huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ, viện trợ, sử dụng các dự án vốn ODA từ các tổ chức quốc tế (trong đó có Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững, Tổ chức 4C,…) để xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu cấp tỉnh, cấp huyện về khu vực rừng, khu vực đất Lâm nghiệp và vùng trồng tạo sản phẩm hàng hóa có ảnh hưởng bởi quy định EUDR.
Dựa trên cơ sở dữ liệu về rừng và các vùng trồng rừng tạo hàng hóa gỗ và sản phẩm gỗ có ảnh hưởng bởi quy định EUDR, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xác định các vùng có nguy cơ phá rừng cao, trung bình và thấp; đồng thời, đề xuất giải pháp phù hợp trong công tác quản lý, bảo vệ và khôi phục rừng.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu thụ hàng hóa gỗ và sản phẩm gỗ ảnh hưởng bởi quy định EUDR theo hướng: Duy trì và tiếp tục phát triển chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa bền vững không gây phương hại đến rừng; sản phẩm hàng hóa phải tuân thủ các yêu cầu liên quan khác về môi trường, lao động, bảo vệ, bảo tồn hiện trạng tài nguyên khu vực sản xuất hàng hóa theo các tiêu chí của hệ thống chứng nhận/kiểm tra; tiếp tục triển khai các chính sách, quy định hiện hành, các chỉ đạo của UBND tỉnh và các cấp bộ ngành liên quan; kết hợp lồng ghép thực hiện các chương trình dự án của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho người dân sinh sống gần rừng và xen kẽ trong rừng; thiết lập hệ thống truy xuất, hỗ trợ sinh kế, sản xuất bền vững để đáp ứng quy định EUDR.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, theo dõi quá trình thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị; kịp thời tổng hợp, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo, xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh.
Kinh phí thực hiện được huy động từ nguồn lực của các nhà tài trợ, viện trợ, sử dụng các dự án vốn ODA từ các tổ chức quốc tế (trong đó có Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững, Tổ chức 4C,…); huy động các nguồn lực theo hợp tác công tư (PPP), để xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu cấp tỉnh, cấp huyện về khu vực rừng, khu vực đất Lâm nghiệp và vùng rừng trồng tạo sản phẩm hàng hóa có ảnh hưởng bởi quy định EUDR.
Nguồn ngân sách nhà nước bố trí kinh phí đối ứng để thực hiện kế hoạch giải pháp thích ứng với quy định không gây mất rừng của EU cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ tỉnh Bình Định./.