|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 20/8/2024, UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 2987/QĐ-UBND Kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.                             

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Mục tiêu của kế hoạch là thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của khi tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT); trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Theo kế hoạch, 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan cần tập trung triển khai trong thời gian tới gồm:

1. Triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên các giải pháp tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới; các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia và các văn bản triển khai thực hiện của địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.

2. Đa dạng hoá nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm trật tự ATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số với nội dung phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền dân tộc; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự ATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ.

3. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT, nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT phải tuyệt đối “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ TNGT, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng khắc phục những tồn tại, giải quyết kịp thời các nguyên nhân dẫn đến TNGT. Tổ chức làm rõ, xử lý trách nhiệm liên đới của các cá nhân, tổ chức chậm hoặc không khắc phục các nguyên nhân đã được kiến nghị nhiều lần, để tiếp tục xảy ra TNGT từ nghiêm trọng trở lên theo đúng quy định.

4. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, nhất là trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ. Tiếp tục đầu tư, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các nút giao thông đường bộ, trên các tuyến giao thông trọng điểm và tại các huyện, thị xã, thành phố để quản lý, điều hành, xử lý vi phạm trật tự ATGT, từ đó nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa tham gia giao thông; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để khai thác sử dụng hiệu quả.

5. Đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông, bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện phải hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông.

6. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện thân thiện với môi trường gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị. Tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng, thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành lang ATGT; thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông và “điểm đen”, các điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên các tuyến giao thông.

7. Tăng cường thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ, bến xe khách, cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, trung tâm đăng kiểm, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám sức khoẻ lái xe trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ không thực hiện đúng phương án kinh doanh đã đăng ký, để xảy ra TNGT nghiêm trọng, những cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe không đạt các điều kiện theo quy định và những cơ sở cung cấp giấy khám sức khoẻ không đúng quy định của pháp luật.

8. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra phòng ngừa và xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, nhất là các lĩnh vực đăng ký, đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT, điều tra, giải quyết TNGT.

9. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hướng dẫn, kết nối, chia sẻ, hỗ trợ pháp lý giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, thúc đẩy mạnh mẽ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, thay đổi hành vi, ứng xử, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng./.


Tác giả: Minh Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật